Fica
  1. Chứng Khoán

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần thiết xếp hạng tín nhiệm?

Nam Hải
Nam Hải

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian qua đã xảy ra sự việc hình sự. Vậy việc sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm có hạn chế rủi ro cho khách hàng?

Việt Nam chưa sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm

Liên quan đến thị trường vốn cho doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam bùng nổ trong 5 năm qua, tăng trưởng bình quân 42%/năm và hiện chiếm khoảng 12% tổng dư nợ và khoảng 15% GDP. Tuy nhiên, trong sự bùng nổ này, những điều căn bản để phát triển một nền trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và bền vững còn rất thiếu sót, do đó hiện đang gây ra những thiệt hại cho các nhà đầu tư, các trái chủ.

Điển hình là những vụ việc gần đây đã xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. Đối với các thị trường tại các nước phát triển như tại Mỹ thì những thiếu sót như đang diễn ra trên thị trường Việt Nam bao gồm thiếu sót về mặt pháp lý, sự thiếu kiểm soát của những cơ quan quản lý và sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư cá nhân hầu như không hiện hữu.

“Các nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ, sự hiểu biết về thị trường tài chính và tính tuân thủ luật pháp của họ rất cao, nếu bản thân họ không có kiến thức tài chính thì họ thường được hỗ trợ bởi các công ty kinh doanh chứng khoán, các ngân hàng đầu tư và các công ty luật. Các công ty này rất có trách nhiệm khi tư vấn khách hàng”, ông Hiếu dẫn chứng.

Việt Nam cần sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm? (Ảnh minh hoạ: TT). 

Cũng theo chuyên gia kinh tế tài chính này, thị trường trái phiếu cũng có những công cụ của thị trường để nhà đầu tư nhận biết rủi ro và đưa ra những quyết định hợp lý và thông minh. Một trong những công cụ đó là xếp hạng tín nhiệm (Credit Ratings), phần lớn các trái phiếu đều được rating bởi 3 công ty tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s, Standard & Poor's và Fitch Ratings. Các trái phiếu được xếp hạng với 2 mức tín nhiệm: mức đầu tư hay đáng đầu tư (investment grade) và mức không đầu tư hay không đáng đầu tư (none – investment grade).

Trong mỗi mức này, có nhiều cấp độ khác nhau từ cao xuống thấp, nhưng trái phiếu được xếp hạng none – investment grade được gọi là trái phiếu rác, trái phiếu rủi ro cao (Junk bond). Các nhà đầu tư muốn đầu tư an toàn, ít rủi ro thường không chọn những trái phiếu rác này. Nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư chọn trái phiếu rác vì lãi xuất cao và họ đã phân bổ rủi ro trong danh mục đầu tư của họ, có trái phiếu rác và cũng có những trái phiếu triple A để trung hoà được rủi ro và lợi nhuận trong danh mục đầu tư của họ.

“Điều quan trọng của xếp hạng tín nhiệm là nhà đầu tư ý thức được mức độ rủi ro của trái phiếu, tức là khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp phát hành để quyết định mua hay bán”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Bởi theo ông Hiếu, các nhà đầu tư tại Mỹ, khi có kế hoạch mua trái phiếu của một công ty nào đó, thường tra cứu mức xếp hạng tín nhiệm của các trái phiếu muốn mua, nếu là những trái phiếu không xếp hạng hoặc trái phiếu rác, thông thường họ sẽ bỏ qua trái phiếu đó.

“Ở Việt Nam, nhà đầu tư thường không sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm, họ tự thẩm định và phần lớn là dựa vào uy tín của doanh nghiệp phát hành, sự hấp dẫn của lãi xuất thường lên gấp đôi gấp ba so với lãi xuất khuấy động của ngân hàng”, ông Hiếu phân tích thêm.

Có cần thiết xếp hạng tín nhiệm

Đồng quan điểm với chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153, việc xếp hạng các doanh nghiệp được ghi là “xếp hạng nếu có”. Như vậy là Nhà nước ta đang coi nhẹ việc xếp hạng, trong khi đó việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thì việc xếp hạng các doanh nghiệp là rất quan trọng. Và điều này ở các nước trên thế giới cũng rất được coi trọng.

“Chúng ta phải tìm cách, nhấn mạnh việc xếp hạng tín nhiệm. Phải có giải pháp đẩy nhanh chất lượng xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản”, ông Nghĩa nêu.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng, việc xếp hạng tín nhiệm là không cần thiết. Vì trái phiếu OTC ở trên quốc tế như Singapore cũng không hề cần đến xếp hạng tín nhiệm, không hề cần cả báo cáo tài chính.

“Ở Việt Nam thì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thì xếp hạng tín nhiệm cũng được nhưng nên cân nhắc giữa việc bắt buộc hay khuyến khích. Khi đã khuyến khích thì cần có cơ chế khuyến khích, có những cơ chế, ưu đãi”, ông Thịnh nói.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, việc quy định về tài sản đảm bảo thực sự không cần thiết đối với phát hành tránh phiếu. Vì đây là hợp đồng dân sự giữa bên vay và bên đi vay. Ở lần sửa đổi thứ 5 của Nghị định 153 là yêu cầu phát hành trái phiếu phải có bảo lãnh thanh toán. Nếu phải có bảo lãnh thanh toán tức là phải có người đứng ra bảo lãnh thay toán, như vậy thì còn gì là trái phiếu, việc phát hành trái phiếu sẽ rất khó và gần như không thể.

“Tôi cho rằng cần phải có những thay đổi nhưng những thay đổi này phải phù hợp với từng nguồn vốn, phân khúc để đảm bảo được những nguồn vốn vẫn chảy vào thị trường bất động sản”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Hải Nam