Trước khi phiên giao dịch này diễn ra, giới phân tích đã tỏ ra rất lo ngại về rủi ro thị trường sẽ lại diễn ra một phiên bán tháo do nguồn cung cực “khủng” lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư bắt đáy vào cuối tuần trước về đến tài khoản nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhà đầu tư đã có thể thở phào khi các chỉ số trên thị trường đã diễn biến trên vùng giá xanh trong hầu hết phiên giao dịch buổi sáng với số lượng các mã tăng giá áp đảo so với số mã giảm.
Ông chủ FLC Faros sáng nay thiệt hại khá lớn về giá trị tài sản trong cổ phiếu
VN-Index tăng 6,11 điểm tương ứng 0,64% lên 657,75 điểm nhờ 171 mã tăng so với 100 mã giảm. HNX-Index cũng đạt được mức tăng tương tự 0,68 điểm tương ứng 0,63% lên 108,35 điểm. Có 73 mã tăng so với 46 mã giảm trên sàn Hà Nội.
Hầu hết mã vốn hoá lớn tăng cũng đã hỗ trợ đáng kể cho thị trường. Trên sàn HSX, chỉ riêng hai mã VHM và VIC đã đóng góp lần lượt 1,52 điểm và 1,31 điểm cho VN-Index. Cụ thể, VHM tăng 1.800 đồng còn VIC tăng 1.300 đồng.
Bên cạnh đó, BID, GAS, NVL, HDB, SAB, STB, VCB, MSN… cũng là những mã có tác động tích cực đến thị trường chung.
Ở chiều ngược lại, ROS, VJC, BVH, KDH, CII, FPT… lại là những mã có ảnh hưởng kém tích cực lên VN-Index. ROS giảm 1.500 đồng và VJC giảm 1.000 đồng. Do diễn biến kém khả quan của cổ phiếu ROS, giá trị tài sản cổ phiếu này trong tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết sụt giảm hơn 573 tỷ đồng.
Sự thận trọng của giới đầu tư được thể hiện rất rõ nét qua khối lượng tiền chảy vào thị trường rất dè dặt. Tổng cộng suốt phiên sáng, có hơn 76 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX, giá trị giao dịch đạt 1.483,39 tỷ đồng; trên HNX, con số này lần lượt là 24,8 triệu cổ phiếu và 301,08 tỷ đồng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tâm lý lo ngại lượng hàng “khủng” về tài khoản nhà đầu tư có lẽ là nguyên nhân chính khiến bên mua tỏ ra hết sức “rụt rè” và thị trường dễ dàng bị nhấn chìm. Trong thời điểm này, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ tiền mặt và hạn chế giải ngân mới.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) cho rằng, việc thị trường giảm liên tục trong phiên hôm qua mà không thể hồi phục và đây thường là dấu hiệu không tích cực cho tâm lý thị trường trong ngắn hạn.
Theo HSC, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi theo xu hướng thị trường châu Á và giảm trở lại trong phiên 15/10. Còn thị trường châu Á giảm do lo ngại trước quan điểm tiêu cực trong Hội nghị thường niên của IMF diễn ra tuần trước với nhiều quan ngại về triển vọng năm 2019; cuối tuần qua Tổng thống Trump lại đe dọa áp thuế hàng hóa Trung Quốc và do bế tắc trong đàm phán Brexit.
Điều này làm nổi bật sự bất ổn tiếp tục kéo dài của tình hình thế giới, từ đó dẫn đến tâm lý giảm rủi ro đối với thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường mới nổi khác. Theo đó khối ngoại đã quay lại bán ròng kể từ đầu tháng 10 (chỉ có phiên hôm thứ 6 và phiên hôm này là những ngoại lệ rõ rệt).
“Như vậy có lẽ sẽ phải mất vài phiên bất ổn trước khi tình hình lắng dịu trở lại”, HSC lo ngại.
Ở một thông tin tích cực, các quan chức IMF và WB cho biết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra cơ hội cho các nước thành viên ASEAN chẳng hạn như Việt Nam trong vai trò thay thế Trung Quốc trở thành nguồn cung hàng hóa sản xuất vào thị trường Mỹ.
HSC đã thấy có một số bằng chứng của điều này ở những ngành như giày dép, quần áo, gỗ và đồ gỗ và các ngành công nghiệp nhẹ nói chung. Theo đó, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng có liên quan như KBC và VSC đã có thành tích tốt hơn thị trường chung trong những tuần gần đây.
Trong ngắn hạn có vẻ VN-Index sẽ tiến tới vùng 930-940. Và sẽ phụ thuộc vào xu hướng thị trường thế giới trong 24 giờ tới. HSC vẫn giữ quan điểm là trước mắt VN-Index khả dĩ nhất sẽ biến động trong biên độ từ 930 đến 980 điểm.
Mai Chi