Sau một tuần giao dịch đầy căng thẳng và chốt lời lan rộng, tâm lý thận trọng được đẩy lên cao trong phiên sáng nay (15/6).
Theo đó, VN-Index khởi động tuần mới với mức sụt giảm 4,99 điểm tương ứng 0,58% còn 858,53 điểm và tiếp tục mất mốc 860 điểm. HNX-Index cũng giảm 0,45 điểm tương ứng 0,39% còn 116,46 điểm trong khi UPCoM-Index tăng nhẹ 0,1 điểm tương ứng 0,17% lên 56,05 điểm.
Thanh khoản đạt 250,51 triệu cổ phiếu tương ứng 3.496,61 tỷ đồng trên HSX và 37,27 triệu cổ phiếu tương ứng 330,83 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 18,39 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 178,3 tỷ đồng.
Tương quan số mã tăng - giảm trên thị trường khá cân bằng với chênh lệch không đáng kể. Có tất 339 mã giảm, 42 mã giảm sàn trên cả 3 sàn giao dịch trong khi số lượng mã tăng là 291 mã và 52 mã tăng trần.
Nguyên nhân khiến chỉ số trên thị trường giảm do một số mã lớn vẫn bị bán ra khá mạnh và đang tạm thời mất giá.
Cụ thể, VCB đánh mất 1.500 đồng còn 84.100 đồng, VNM giảm 1.000 đồng còn 117.000 đồng, VJC giảm 1.900 đồng còn 111.500 đồng, MWG giảm 1.500 đồng còn 84.500 đồng, GAS mất 1.300 đồng còn 73.300 đồng…
Trong đó, VCB gây thiệt hại 1,59 điểm cho VN-Index và thiệt hại do BID gây ra là 0,92 điểm, do GAS là 0,71 điểm. GAS, VNM, VIC, MSN, TCB, HPG, VJC, HVN cũng gây ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số chung.
Ở chiều ngược lại, một số mã như VRE, HDB, STB, BVH, NVL, vẫn tăng giá. GVR tăng trần và đang là mã có ảnh hưởng tích cực nhất, đóng góp 0,97 điểm cho VN-Index.
Nhiều mã lớn vẫn giảm giá |
Theo VDSC, sự dồi dào của dòng tiền vào cuối tuần trước đã giúp VN-Index khá nhanh chóng chặn đứng đà bán tháo và phần nào lấy lại được sự bình tĩnh cho nhà đầu tư. Một số cổ phiếu lớn có giao dịch tích cực, làm nền tảng cho nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tăng mạnh.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn đang hiện hữu sau quá trình tăng khá dài của thị trường, do vậy nhà đầu tư cân nhắc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và hạn chế sử dụng margin trong giai đoạn này.
BSC cũng lưu ý, dù lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp đã chặn đà bán tháo và đẩy chỉ số lên 860 điểm phiên cuối tuần, phiên đảo chiều 11/6 là thông điệp cảnh báo nhà đầu tư trong ngắn hạn bất chấp dòng tiền nội đang thể hiện sức mạnh trong bối cảnh lãi suất giảm và các kênh đầu tư hạn chế.
Không phủ nhận sức mạnh dòng tiền nội, BSC vẫn thận trọng với diễn biến ngắn hạn khi cho rằng sức ép điều chỉnh ngắn hạn còn lớn trước thông tin khó lường từ thế giới cũng như thị trường chuẩn bị bước vào giai đoạn kiểm định những khó khăn của nền kinh tế và triển vọng kết quả kinh doanh quý II kém sáng sủa của các công ty niêm yết.
Mai Chi