Tài sản 5 “tỷ phú USD” của Việt Nam sau 9 tháng
Mới đây, theo ghi nhận của Forbes, tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/10, giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng đạt 5,8 tỷ USD, tăng 63 triệu USD tương ứng tăng 1,09% so với ngày cuối tháng 9.
Ông Vượng vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam và xếp thứ 286 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Song, con số này đã giảm đáng kể, bởi thời điểm xếp hạng tháng 3/2019, giá trị tài sản của Chủ tịch Vingroup là 6,6 tỷ USD.
Tương tự, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO hãng bay Vietjet Air đạt 2,2 tỷ USD, tăng so với mức 2,1 tỷ USD hồi tháng 4 và tăng 17 triệu USD tương ứng 0,77% so với ngày 30/9.
Tài sản của ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Trường Hải (Thaco) cũng đạt mức 1,5 tỷ USD, còn tài sản của ông Trần Đình Long cũng tăng 27 triệu USD tương ứng 2,27% so với một ngày trước đó và đạt 1,2 tỷ USD.
Riêng ông Hồ Hùng Anh là tỷ phú USD thứ năm của Việt Nam theo thống kê của Forbes tại ngày 1/10. Giá trị tài sản của Chủ tịch Techcombank là 1,2 tỷ USD, tăng 8 triệu USD tương ứng 0,71% so với 1 ngày trước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group lại không xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD.
Đại gia Trịnh Văn Quyết “lập kỷ lục”
Tuần qua, thông tin đời sống đáng chú ý của đại gia Trịnh Văn Quyết chính là việc, cổ phiếu FLC của ông bỗng trở thành tâm điểm của thị trường.
Cổ phiếu này có khối lượng giao dịch khớp lệnh lên tới 28,62 triệu cổ phiếu. Mã này cũng tăng trên lên 3.420 đồng và được “tranh cướp”, đến cuối phiên không hề có dư bán trong khi vẫn còn dư mua giá trần.
Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 133,66 nghìn cổ phiếu FLC với khối lượng mua vào là 258,05 nghìn cổ phiếu.
Tính chung 1 tuần qua, cổ phiếu của ông Quyết tăng giá 11,4% và đã tăng 15,54% trong vòng 1 tháng. Cổ phiếu được giao dịch mạnh và tăng trần bất chấp việc bị HSX đưa vào diện không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ tại ngày 11/9 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng là số âm (lỗ ròng hơn 1.582 tỷ đồng).
Tuy nhiên, về phía FLC, tập đoàn của đại gia Trịnh Văn Quyết đang lên kế hoạch cho nhiều dự án đình đám như khánh thành khách sạn 5 sao được cho là lớn bậc nhất Việt Nam tại Quy Nhơn, Bình Định (chiều dài kỷ lục xấp xỉ 1 km).
Chủ tịch FLC mới đây cũng “úp mở” về dự định đầu tư khu nghỉ dưỡng 7 sao tại Cù Lao Xanh, Bình Định trong đó bao gồm cả... bãi “tắm tiên”.
Tài sản ông Phạm Nhật Vượng tăng hơn 1.900 tỷ đồng
Giá trị tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam biến động ra sao luôn là tâm điểm sự chú ý của mọi người.
Vì thế, tuần qua, khi cổ phiếu “họ” Vin liên tục tăng đã kiến tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng lên đáng kể.
Theo đó, VIC chỉ cần tăng 1.000 đồng tương ứng 1,1% lên 92.500 đồng và mã VHM tăng 1.600 đồng tương ứng 2,1% lên 77.100 đồng, cũng đã giúp tài sản của người đàn ông giàu nhất Việt Nam đã tăng thêm 1.916,4 tỷ đồng.
Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup vẫn đang là cổ đông cá nhân lớn nhất tại VIC. Tính cả số cổ phần gián tiếp sở hữu thông qua 92,88% cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng đang nắm trong tay trên 1,91 tỷ cổ phiếu VIC trị giá 177.264 tỷ đồng.
Shark Liên và những câu chuyện "thị phi"
Tuần qua, những lùm xùm xung quanh Công ty CP nước mặt sông Đuống của Shark Liên một lần nữa đã nổi lên gây xôn xao dư luận.
Theo đó, ngày 29/9, theo thông tin của một số cơ quan báo chí, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa gửi công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cung cấp tài liệu về việc xây dựng dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, trước ngày 30/9.
Hình ảnh bà Liên chơi golf bên cạnh hồ chứa nước
Ngoài ra, C03 cũng đề nghị Hà Nội cung cấp hồ sơ liên quan quá trình điều chỉnh quy hoạch cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ 2013 đến nay.
Công ty CP Nước mặt Sông Đuống là chủ đầu tư dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô 65ha. Vốn điều lệ gần 1.000 tỷ đồng. Nắm quyền kiểm soát CTCP Nước mặt Sông Đuống trước đây là Tập đoàn Aquaone - Chủ tịch là bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên).
Đây là một trong những công ty tư nhân lớn ở Việt Nam với hàng loạt vụ nhà máy nước nghìn tỷ đồng như: Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hoà Bình, nhà máy mặt nước sông Hậu và nhà máy mặt nước sông Đuống.
Thế Hưng