Fica
  1. Chứng Khoán

"Tay to" hành động ra sao khi chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất lịch sử?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Một phiên sụt giảm cực sâu trên thị trường chứng khoán đã "thổi bay" gần 11 tỷ USD vốn hóa, đưa P/E thị trường về mức 17,77. Trong khi nhà đầu tư cá nhân bán ồ ạt thì tổ chức lại tích cực giải ngân.

 Ai mua, ai bán?

Trong phiên giao dịch 12/7, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến pha giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử thành lập (tính theo giá trị tuyệt đối của chỉ số), có lúc mất 76 điểm.

Áp lực bán tại phiên khá chủ động do diễn ra từ đầu phiên chứ không phải chờ đến đợt khớp lệnh ATC mới biến động mạnh.

Tay to hành động ra sao khi chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất lịch sử? - 1

Diễn biến VN-Index (Ảnh chụp màn hình Trade View).

Tuy nhiên, có một thống kê rất đáng chú ý là khi áp lực bán tháo diễn ra khiến hầu hết cổ phiếu trên thị trường đều giảm giá thì khối nhà đầu tư nước ngoài và khối tự doanh các công ty chứng khoán lại tiến hành giải ngân rất mạnh.

Cụ thể, trong phiên này, khối ngoại mua vào tổng cộng 2.546,37 tỷ đồng và bán ra 1.179,19 tỷ đồng, tương ứng với giá trị mua ròng trên toàn thị trường là 1.367,18 tỷ đồng.

STB là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất bởi khối ngoại với giá trị mua ròng 333,5 tỷ đồng. Kế đến là SSI với 201 tỷ đồng. HPG với 178 tỷ đồng. KDH, DXG, KBC, VRE, VHM, NVL cũng được khối ngoại tăng cường giải ngân.

Tay to hành động ra sao khi chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất lịch sử? - 2

Bản đồ mua bán ròng của khối ngoại trong phiên 12/7 (Ảnh chụp màn hình).

Phía tự doanh các công ty chứng khoán cũng mua ròng 563,31 tỷ đồng. Trong đó, những đơn vị này chi tổng cộng 1.283,68 tỷ đồng để mua cổ phiếu và bán ra cổ phiếu để thu về 720,37 tỷ đồng.

Những cổ phiếu lọt vào "mắt xanh" của khối tự doanh là TCB, VPB, FPT, STB, VNM, VIC, DBC, MSN, VCB, VHM, NVL…

Tay to hành động ra sao khi chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất lịch sử? - 3

Tự doanh các công ty chứng khoán cũng mua ròng (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh đó, nhà đầu tư tổ chức trong nước (không bao gồm tự doanh) cũng mua ròng 656 tỷ đồng sau 2 phiên bán ròng liên tiếp trước đó.

Vậy, bên bán là ai?

Thống kê cho thấy, trong phiên lao dốc hôm qua, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bán ròng 2.611 tỷ đồng, trong đó bán khớp lệnh là 2.585 tỷ đồng.

Trái ngược với nhà đầu tư tổ chức, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước tập trung tại các cổ phiếu STB (398 tỷ đồng); HPG (305 tỷ đồng); SSI (214 tỷ đồng); VPB (203 tỷ đồng); TCB (166 tỷ đồng); VNM (137 tỷ đồng).

Cũng cần lưu ý rằng, diễn biến bán ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước còn do tác động của hoạt động bán giải chấp cổ phiếu. Theo đó, tài khoản của nhiều nhà đầu tư chịu áp lực margin call đã phải bán ra cổ phiếu bằng mọi giá, tạo nên hiệu ứng bán tháo trên thị trường.

Định giá thị trường đã rẻ hơn

Đóng cửa phiên giao dịch 12/7, VN-Index ghi nhận mức thiệt hại cuối cùng là 50,84 điểm tương ứng 3,77% còn 1.296,3 điểm.

Mức giảm sâu khiến vốn hóa toàn thị trường bị "thổi bay" hơn 248.000 tỷ đồng (10,7 tỷ USD), trong đó, riêng sàn HSX sụt giảm 190.600 tỷ đồng giá trị vốn hóa (tương ứng 8,2 tỷ USD).

Toàn thị trường có 841 mã giảm giá, 164 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 133 mã tăng, 19 mã tăng trần.

Dữ liệu trên Bloomberg cho thấy, tại mức đóng cửa phiên 12/7, định giá P/E của VN-Index đã hạ xuống còn 17,77 và theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã "rẻ hơn" đáng kể so với đầu tháng này, khi mà P/E vào khoảng 19,5.

Tay to hành động ra sao khi chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất lịch sử? - 4

P/E của VN-Index đã hạ nhiệt xuống còn 17,77 (Ảnh chụp màn hình - Bloomberg). 

Tới đây, các doanh nghiệp sẽ công bố kết quả kinh doanh quý II. Với triển vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng, định giá P/E của thị trường chứng khoán Việt được cho sẽ còn rẻ hơn.

Mai Chi

Tin liên quan