"Ông trùm" ngành đá ốp lát Hồ Xuân Năng
Cổ phiếu VCS của Vicostone hôm nay (30/9) được mua vào rất mạnh và tăng trần 6.600 đồng lên 73.200 đồng/cổ phiếu. Mã này không hề có dư bán và kết phiên vẫn còn dư mua giá trần.
Diễn biến tích cực và đầy bất ngờ tại VCS được cho là nhờ thông tin kết quả kinh doanh quý 3. Doanh nghiệp của đại gia Hồ Xuân Năng vừa hé lộ những số liệu đầu tiên ước tính kết quả sản xuất kinh doanh quý 3 với doanh thu thuần dự kiến đạt 1.499 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ, lãi trước thuế tăng mạnh 13% lên 469 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 14,2% lên 400 tỷ đồng.
Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng đang là cổ đông lớn nhất tại Vicostone. Tổng khối lượng cổ phần mà ông Năng nắm giữ (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) lên tới 117,55 triệu đơn vị và theo đó, vị đại gia này đang sở hữu khối tài sản trị giá 9.030 tỷ đồng, xếp thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chỉ tính trong phiên này, với diễn biến tăng giá mạnh của VCS, giá trị tài sản cổ phiếu của ông Hồ Xuân Năng tại Vicostone tăng thêm 775,83 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, tổ chức do ông Hồ Xuân Năng đại diện tại Vicostone, sở hữu 130,61 triệu cổ phần VCS, chiếm tỷ lệ 84,16% vốn điều lệ Vicostone. Được biết, ông Năng nắm giữ 90% cổ phần ở công ty này.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9 là một phiên đầy cảm xúc đối với giới đầu tư. Chỉ số chính VN-Index đã rung lắc rất mạnh trong phiên và có những thời điểm lùi về sát mốc 900 điểm, nhiều nhà đầu tư quyết định chốt lời.
Tuy nhiên, về cuối phiên chiều, áp lực bán giảm dần và dòng tiền tiếp tục dội vào cổ phiếu, đẩy chỉ số tăng điểm.
Đóng cửa, VN-Index ghi nhận mức tăng 1,23 điểm tương ứng 0,14% lên 905,21 điểm, trong khi đó, HNX-Index cũng tăng 1,2 điểm tương ứng 0,91% lên 132,93 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,21 điểm tương ứng 0,33% lên 61,73 điểm.
Thanh khoản sàn HSX đạt 340,68 triệu cổ phiếu tương ứng 6.359,63 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 43,3 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 532,02 tỷ đồng và trên UPCoM là 25,05 triệu cổ phiếu tương ứng 349,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu STB của Sacombank vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất trên thị trường phiên cuối tháng. Khớp lệnh tại mã này lên tới 28,31 triệu đơn vị và STB cũng tăng giá lên 13.800 đồng.
Một số mã khác là HSG, TCH, HPG, LPB cũng được giao dịch mạnh. HSG khớp 15,62 triệu cổ phiếu, TCH khớp 15,02 triệu cổ phiếu và HPG khớp 12,99 triệu cổ phiếu - các mã này đều tăng giá. Trong khi đó, LPB khớp 10,44 triệu cổ phiếu và đứng giá tham chiếu.
Điểm tích cực là trong bức tranh thị trường, sắc xanh đã chiếm ưu thế. Theo thống kê có 426 mã tăng giá, 37 mã tăng trần trên cả 3 sàn trong khi chiều ngược lại có 331 mã giảm, 38 mã giảm sàn.
Một số mã lớn có diễn biến tích cực đã phần nào hỗ trợ cho thị trường chung. MSN tăng 1.000 đồng lên 54.600 đồng và mang lại 0,33 điểm cho chỉ số chính. Trong khi đó, STB với mức tăng 3,8% đã giúp VN-Index tăng 0,27 điểm.
Ngược lại, SAB giảm 0,9%; VCB giảm 0,6%, PLX giảm 0,6%; VNM giảm 0,3%, GAS giảm 0,3%... và kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Song nhìn chung, không có mã cổ phiếu nào có vai trò dẫn dắt cũng như chi phối đến xu hướng tăng - giảm của VN-Index trong phiên này.
Một điểm sáng ở phiên này là diễn biến tăng giá mạnh ở nhóm cổ phiếu “họ” Viettel. VGI, VTP, VTK, CTR đều tăng giá sau khi có thông tin Viettel sẽ giảm sở hữu.
Theo dự đoán của chuyên gia phân tích tại BVSC, VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 895-900 điểm trong những phiên còn lại của tuần. Nếu vùng hỗ trợ này bị xuyên thủng, chỉ số nhiều khả năng sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh và lùi về kiểm định các vùng hỗ trợ 870-880 điểm trong ngắn hạn.
Mặt khác, nỗ lực hồi phục của thị trường sẽ vấp phải vùng kháng cự 908-912 điểm. Đây là vùng kháng cự có thể khiến thị trường quay đầu giảm điểm trở lại. Trong thời gian tới, thị trường sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi các thông tin kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết.
Mai Chi