Mặc dù dòng tiền vẫn đổ vào thị trường nhưng các chỉ số vẫn gặp khó trong phiên giao dịch sáng nay (6/10). VN-Index giằng co và tạm dừng ở 914,56 điểm, ghi nhận trạng thái giảm 0,12 điểm tương ứng 0,01%.
Trong khi đó, HNX-Index thu hẹp đà tăng, chỉ còn tăng 0,21 điểm tương ứng 0,15% lên 137,4 điểm. UPCoM-Index tăng 0,31 điểm tương ứng 0,49% lên 63,12 điểm.
Thanh khoản đạt 275,19 triệu cổ phiếu tương ứng 4.617,01 tỷ đồng trên HSX và 36,65 triệu cổ phiếu tương ứng 478,63 tỷ đồng trên HNX. Trên sàn UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 17,61 triệu cổ phiếu tương ứng 242,52 tỷ đồng.
Trên toàn thị trường vẫn còn tới 912 mã không có giao dịch nào diễn ra. Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm. Thống kê có 349 mã giảm giá, 20 mã giảm sàn so với 303 mã tăng, 22 mã tăng trần.
VIC giảm giá và đã ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến chỉ số chung, kéo VN-Index 1,06 điểm. VNM, TCB, BCM, CTG cũng giảm.
MSN, HPG, SAB, STB, VHM, MWG, BVH tăng nhưng mức tăng không lớn nên không tác động lớn đến chỉ số chung.
ITA và STB là hai mã được giao dịch mạnh nhất trong phiên sáng nay. ITA khớp 23,16 triệu cổ phiếu; STB khớp 20,2 triệu cổ phiếu.
Cơ cấu cổ đông tại ACB
Bất chấp trạng thái giằng co của thị trường chung, cổ phiếu ACB của Ngân hàng ACB vẫn tăng 1,27% lên 23.900 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá cao nhất của mã cổ phiếu này trong 1 năm qua.
ACB đã tăng giá 13,27% trong vòng 1 tháng qua và tăng 35,04% trong 1 quý. So với mức đáy 13.698 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 3, đến nay, giá ACB đã tăng 74,5%.
Hôm qua (5/10), trên 498,82 triệu cổ phiếu ACB niêm yết bổ sung chính thức được phép giao dịch. Số cổ phiếu này được ACB phát hành nhằm trả cổ tức theo tỷ lệ 30% cho cổ đông.
Theo đó, tổng số lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán của ACB đạt hơn 2,16 tỷ đơn vị. Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết (theo mệnh giá) hiện tại của ACB là 21.615,58 tỷ đồng.
Tại ACB, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị - đang sở hữu trên 74 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lên 3,43%. Tuy không phải là cổ đông lớn nhưng tỷ lệ nắm giữ của ông Trần Hùng Huy lại lớn nhất tại ACB đối với một cổ đông cá nhân. Giá tài sản cổ phiếu hiện tại của ông Huy là 1.703,6 tỷ đồng.
Ông Trần Hùng Huy (SN 1978) là con trai của ông Trần Mộng Hùng - nhà sáng lập ngân hàng. Ông Huy lên nắm quyền lãnh đạo ngân hàng này ngay tại thời điểm ACB “chao đảo” vì sự kiện bầu Kiên. Dưới sự lãnh đạo của thuyền trưởng mới, doanh thu và lợi nhuận của ACB không ngừng mở rộng những năm qua.
Nguồn số liệu: BCTC; đơn vị: tỷ đồng (đồ hoạ: Mai Chi)
Nửa đầu năm 2020, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.819 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Cuối tháng 6, tổng tài sản của ACB đạt 396.760 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,6% đạt 283.755 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 7,3% đạt 330.551 tỷ đồng. Nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6 là 1.918 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,68%.
Không chỉ nổi tiếng với tài lãnh đạo, ông Trần Hùng Huy cũng là doanh nhân hiếm hoi thường xuyên cập nhật trạng thái trên mạng xã hội với những hoạt động hướng tới bảo vệ môi trường và quảng bá hình ảnh cho ngân hàng.
Trở lại với thị trường chứng khoán, theo nhận định của Công ty chứng khoán MB (MBS), mạch tăng điểm của thị trường tiếp tục lan tỏa sau chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp và là 1 trong các thị trường mức tăng tốt nhất trên thế giới hơn 2 tháng qua.
Về kỹ thuật, đà tăng có phần chậm lại ở 4/5 phiên gần đây, chỉ số VN-Index vẫn đang cố gắng vượt mức cao nhất 5 phiên, do vậy nhịp rung lắc có thể ở khu vực kháng cự 915-925 điểm, theo đó nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế mua đuổi cổ phiếu giá cao và nên tận dụng nhịp tăng điểm này để chốt lời những cổ phiếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận.
Ông Trần Hùng Huy trong một chuyến thám hiểm Sơn Đoòng (nguồn: Youtube)
Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, MBS khuyến nghị, có thể tranh thủ cơ cấu lại tài khoản, ưu tiên mua thăm dò các cổ phiếu bluechips cơ bản tốt trong các nhịp điều chỉnh hoặc giảm sâu cho mục tiêu từ 3 đến 6 tháng tới.
Mai Chi