Trước khi tiếp tục tăng 5,3 điểm tương ứng 0,41% về sát 1.300 điểm trong sáng nay thì thị trường trong ngày 15/7 cũng đã có phiên hồi phục tích cực. VN-Index tăng 14,01 điểm tương ứng 1,1% lên 1.293,92 điểm.
Tuy thanh khoản thấp, phiên giao dịch hôm qua, diễn biến tăng lại lan tỏa đến 623 mã cổ phiếu, có 46 mã tăng trần, gấp 3 lần so với số mã giảm giá. Ở phiên này, nhiều mã cổ phiếu lớn (chủ yếu nhóm tài chính) tăng như VPB, TCB, STB, SSI, SSB,TPB đã hỗ trợ cho chỉ số. Riêng VPB đóng góp 2,31 điểm; TCB đóng góp 1,51 điểm.
VN-Index giảm mạnh sau khi HSX vận hành hệ thống mới, vốn hóa thị trường "bốc hơi" chóng vánh và tài sản người giàu chứng khoán cũng hao hụt đáng kể (Ảnh minh họa: IT).
Mặc dù vậy, đây lại là phiên giao dịch không may mắn với VIC, MSN, BID, GVR, HPG do các mã này vẫn giảm. BCM giảm sàn và có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chính.
Trước đó, trong ngày 14/7, VN-Index có lúc về tận ngưỡng 1.265 điểm trước khi hồi phục trở lại, thu hẹp biên độ giảm còn 17,63 điểm tương ứng 1,36%, đóng cửa tại 1.279,91 điểm.
Dữ liệu HSX cho thấy, tại thời điểm đóng cửa phiên 14/7, giá trị vốn hóa thị trường (market cap) của sàn này đạt hơn 4,8 triệu tỷ đồng, giảm hơn 65.000 tỷ đồng so với phiên 13/7.
Tính so với cuối phiên 2/7, tức thời điểm trước khi hệ thống mới của HSX vận hành thì giá trị vốn hóa của HSX đã bị "thổi bay" tổng cộng 524.795 tỷ đồng, tương ứng khoảng 22,57 tỷ USD. Trong khoảng thời gian này, VN-Index đánh mất 140,36 điểm, tức giảm tới 9,88%.
Tuy rằng phiên 15/7, thiệt hại đã được cải thiện so với thời điểm 13h (lúc đó VN-Index mất hơn 30 điểm), nhưng kết quả cuối phiên cũng khiến thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm 3 thị trường giảm mạnh nhất châu Á (theo dữ liệu của Stockq). Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới.
Sự điều chỉnh mạnh của thị trường chung đã ảnh hưởng lớn đến tài sản trên sàn chứng khoán của nhiều doanh nhân lớn là các ông chủ, cổ đông lớn của doanh nghiệp.
Cụ thể, cổ phiếu VIC của Vingroup từ phiên 5/7 đến 15/7 giảm 15.500 đồng tương ứng 13,19%. Với trên 1,9 tỷ cổ phiếu VIC đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vingroup ghi nhận mức sụt giảm trên giá trị tài sản chứng khoán lên tới 29.703,7 tỷ đồng, con số lớn hơn cả tổng tài sản của người đang giàu thứ 6 thị trường hiện nay là ông Nguyễn Văn Đạt.
Hiện tại, giá trị tài sản trên sàn của ông Phạm Nhật Vượng là 197.386 tỷ đồng còn tài sản trên sàn ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt là 26.048 tỷ đồng.
HPG của Tập đoàn Hòa Phát trong khoảng thời gian 10 ngày từ 5/7 đến 15/7 cũng giảm 5.800 đồng tương ứng 11,09%, kéo giá trị tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tập đoàn này hụt mất 5.011,2 tỷ đồng. Giá trị tài sản của vị tỷ phú này hiện là 38.880 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu NVL của Novaland giảm 15.000 đồng/cổ phiếu tương ứng giảm 12,61% cũng khiến tài sản của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT công ty giảm khoảng 4.760 tỷ đồng. Cổ phiếu PDR của Bất động sản Phát Đạt giảm 8.700 đồng/cổ phiếu tương ứng giảm 9,07% và theo đó, giá trị tài sản của đại gia Nguyễn Văn Đạt cũng giảm 2.590 tỷ đồng.
Cũng thời gian nói trên, cổ phiếu TCB của Ngân hàng Techcombank giảm 2.200 đồng tương ứng 4,05% khiến tài sản của ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank ở ngân hàng này sụt giảm gần 86,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ cổ phiếu MSN tăng 1.100 đồng trong thời gian nói trên nên tài sản của ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang không bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí, trong sáng nay, MSN có lúc đã cán mốc 121.000 đồng trước khi tạm đóng cửa tại 119.500 đồng, tăng 3,9%.
Mai Chi