Fica
  1. Chứng Khoán

“Sốc nặng” đầu năm mới: Tháo chạy khỏi chứng khoán, VN-Index mất gần 33 điểm

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý, thị trường chứng khoán lập tức chứng kiến cảnh tháo chạy của giới đầu tư do nỗi lo ngại về dịch cúm corona virus và qua đó khiến các chỉ số giảm sâu.

“Sốc nặng” đầu năm mới: Tháo chạy khỏi chứng khoán, VN-Index mất gần 33 điểm - 1

Không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam mà các thị trường trên thế giới đều bị tác động tiêu cực do nỗi ám ảnh mang tên corona virus

VN-Index gần như rơi tự do, mất 32,64 điểm tương ứng giảm 3,29% còn 958,82 điểm. Trong đó, chỉ số của 30 cổ phiếu tiêu biểu trên HSX là VN30-Index cũng mất 32,49 điểm tương ứng 3,57% còn 876,6 điểm. HNX-Index mất 2,58 điểm tương ứng 2,43% còn 103,7 điểm. UPCoM-Index mất 0,66 điểm tương ứng 1,17% còn 55,56 điểm.

Trong đà giảm mạnh của giá cổ phiếu, một bộ phận nhà đầu tư vẫn nỗ lực bắt đáy đưa khối lượng giao dịch trên HSX lên 125,48 triệu đơn vị tương ứng 2.804,51 tỷ đồng và trên HNX lên 18,55 triệu cổ phiếu tương ứng 209,97 tỷ đồng. Thanh khoản sàn UPCoM đạt 5,25 triệu đơn vị tương ứng 70,76 tỷ đồng. Dẫu vậy, lực mua vẫn lép vế so với áp lực bán.

Sắc đỏ bao trùm gần như toàn thị trường với số lượng mã giảm giá áp đảo lên tới 402 mã, 45 mã giảm sàn so với 144 mã tăng và 30 mã tăng trần. Toàn thị trường cũng có 96 mã đứng giá tham chiếu và 1.035 mã không hề diễn ra giao dịch.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đã thực hiện bán mạnh các mã cổ phiếu vốn hoá lớn và càng khiến thị trường diễn biến tệ hơn.

Cụ thể, trước áp lực xả hàng, SAB mất 10.500 đồng; VCB mất 5.300 đồng, VJC mất 5.000 đồng, VNM mất 4.300 đồng, MSN mất 3.100 đồng, BHN mất 3.000 đồng, VHM mất 2.900 đồng, BID mất 2.700 đồng, GAS mất 2.400 đồng, HVN giảm sàn mất 2.250 đồng…

Theo đó, VCB lấy đi của VN-Index tới 5,71 điểm và ảnh hưởng tiêu cực nhất lên diễn biến chỉ số chính. Tác động do trạng thái giảm tại BID là 3,16 điểm; tại VHM là 2,82 điểm; tại VNM là 2,18 điểm, tại SAB là 1,96 điểm; tại CTG là 1,52 điểm, tại TCB là 1,37 điểm và tại GAS là 1,33 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư sau kỳ nghỉ lễ dài đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến trên thị trường quốc tế. Trong thời gian thị trường Việt Nam đóng cửa nghỉ Tết thì chứng khoán thế giới bị “giáng đòn mạnh” do mối lo ngại của giới đầu tư về sự bùng phát lây lan của đại dịch corona virus tại Trung Quốc.

Theo cập nhật mới nhất, tính tới cuối ngày 29/1, số lượng các ca nhiễm virus corona chủng mới đã tăng vọt lên 7.158 ở Trung Quốc, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn cầu lên con số 7.251. Con số này gần bằng với tổng số ca nhiễm virus SARS trên toàn cầu trong năm 2002-2003. Số lượng người tử vong vì mầm bệnh đã tăng lên 170, tất cả đều ở Trung Quốc.

Không chỉ Việt Nam mà các thị trường châu Á cũng có khởi đầu năm mới âm lịch không thuận lợi. Trong khi Nikkei 225 mất 1,79% thì Hang Seng Index cũng rơi 2,2%

Hồi đầu tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã diễn biến tiêu cực do ảnh hưởng về mặt tâm lý của dịch cúm virus corona trước khi dần trở lại trạng thái cân bằng trong phiên gần đây.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones sụt 453,93 điểm (tương đương 1,6%), ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2019 cùng với chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 8/2019. Chỉ số S&P 500 mất 1,6% và chỉ số Nasdaq Composite mất 1,9%, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2019.

Dịch cúm do virus corona gây ra đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc và hoạt động giao thương nhiều quốc gia trên thế giới. Hàng hoá Trung Quốc xuất ra các nước và hàng hoá các nước đưa vào thị trường Trung Quốc bị đình trệ, dự kiến sẽ gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Chuyên gia quản trị về Chiến lược và Rủi ro - ông Đỗ Hoà cho rằng, tổn thất mà dịch cúm corona gây ra đối với nền kinh tế là không tránh khỏi.

“Kinh tế bây giờ là kinh tế hội nhập, thị trường bây giờ là thị trường liên thông. Và vậy là các ngành như du lịch, dịch vụ, thương mại sẽ bị thiệt hại nặng. Kế đến các ngành công nghiệp, sản xuất... cũng bị đình đốn. Nền kinh tế sẽ bị thiệt hại dính chùm với tình hình chung của toàn khu vực, của toàn cầu” - vị chuyên gia này cho biết.

Mai Chi 

Tin liên quan