Cổ phiếu bị thao túng giá
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa phát thông báo về việc xử phạt đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân - Fortex.
Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN và kết quả xác minh của cơ quan công an, UBCKNN ban hành đã quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Mạnh Thường (có địa chỉ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và bà Phạm Thị Phương (quận Gò Vấp, TPHCM) với mức phạt đối với mỗi cá nhân 600 triệu đồng. Tổng mức phạt với 2 cá nhân nói trên là 1,2 tỷ đồng.
Ông Lê Mạnh Thường (Ảnh: Fortex).
Nguyên nhân được cho biết, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM.
Căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; đồng thời, không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.
FTM từng là mã cổ phiếu gây rúng động trong giới đầu tư chứng khoán cách đây hai năm. Lúc đó, mã này đột ngột "rơi tự do" từ vùng giá 25.000 đồng xuống còn khoảng 3.000 đồng khiến 11 công ty chứng khoán và một ngân hàng bị thiệt hại nặng nề hàng trăm tỷ đồng do cho vay margin cổ phiếu này.
Cho đến nay, thị giá của FTM đang ở mức 2.910 đồng (tại thời điểm đóng cửa phiên 1/9).
Ông Lê Mạnh Thường được biết đến là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Fortex. Tháng 4/2019, ông Thường rời vị trí Chủ tịch HĐQT nhưng đến cuối tháng 10/2019, ông Thường lại trở lại với vai trò cũ.
Hiện tại, ông Thường đã hạ tỷ lệ sở hữu tại Fortex xuống còn 10,2% nhưng người thân của Chủ tịch Fortex lại nắm phần lớn cổ phần trong công ty. Trong đó, bà Lê Thùy Anh, con gái ông Thường, sở hữu 21,53% vốn điều lệ Fortex. Hai cá nhân khác là Lê Quốc Dân và Lê Quốc Quân lần lượt sở hữu 11,6% và 11,56% vốn điều lệ công ty này.
Cũng liên quan đến cổ phiếu FTM, hồi tháng 8, một cá nhân từng là cổ đông lớn của Fortex - ông Nguyễn Chí Cường - cũng đã bị phạt 30 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn khi không còn là cổ đông lớn.
Hiện tại, FTM vẫn đang bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) duy trì diện kiểm soát do chưa khắc phục được tình trạng thua lỗ.
Nợ ngân hàng quá hạn thanh toán
Fortex đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên được soát xét bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam (AVA).
BCTC bán niên cho thấy, Fortex tiếp tục thua lỗ hơn 94 tỷ đồng dù doanh thu đã tăng đáng kể từ gần 40 tỷ đồng lên 66 tỷ đồng. Với giá vốn hàng bán xấp xỉ 60 tỷ đồng, Fortex chỉ còn hơn 6 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Con số này quá khiêm tốn so với chi phí lãi vay hơn 47 tỷ đồng, chưa kể chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp duy trì trên 8 tỷ đồng.
Thêm vào đó, Fortex còn ghi nhận lỗ khác gần 45 tỷ đồng đưa mức lỗ kế toán trước thuế vượt 94 tỷ đồng. Lỗ lũy kế theo đó tăng lên 290 tỷ đồng tại ngày 30/6 so với mức 196 tỷ đồng hồi đầu năm.
Cũng ngày 30/6, nợ phải trả của Fortex đã tăng từ 1.177 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.370 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 1.127 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của công ty vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn là 904 tỷ đồng.
Công ty còn có tổng cộng gần 968 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn, chiếm đến 61% tổng tài sản. Trong khi đó, nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn là 874 tỷ đồng, chiếm gần 64% tổng nợ phải trả.
Cú lao dốc kinh điển của FTM năm 2019 (Ảnh chụp màn hình).
Đáng chú ý, khi nhận xét BCTC bán niên của Fortex, kiểm toán viên đã đưa ra kết luận ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gần 464 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỷ đồng.
Theo đơn vị kiểm toán, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Theo đó, kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của Fortex phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của công ty.
Vì vậy, các điều kiện này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Về phía Fortex, công ty này cũng đã đưa ra giải trình về khoản lỗ phát sinh, nợ vay và lãi vay quá hạn ngân hàng. Cụ thể, từ quý II/2020 dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến toàn ngành dệt may. Theo đó, ngành sợi cũng bị ảnh hưởng khiến công ty phải dừng sản xuất hoàn toàn nhà máy 2 và nhà máy 5.
Từ quý II năm nay, cùng với việc duy trì ổn định được nhà máy 1, công ty đã huy động nguồn lực để khôi phục được 50% sản lượng nhà máy 2 và bước đầu 30% sản lượng nhà máy 5. Qua đó, doanh thu tăng từ hơn 8 tỷ đồng năm 2020 lên 44 tỷ đồng năm nay, sự gia tăng của doanh thu và khôi phục được một phần năng lực sản xuất giúp kết quả kinh doanh quý II của công ty cao hơn so với quý II/2020.
Tuy nhiên, cũng từ hồi quý II, dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát trong nước và thế giới khiến việc phục hồi toàn bộ năng lực sản xuất không thực hiện được, thêm vào đó các biện pháp giãn cách chống dịch được triển khai khiến việc gia tăng doanh thu của công ty gặp nhiều khó khăn. Khoản lỗ phát sinh chủ yếu là các chi phí cố định khấu hao, các chi phí trả trước phân bổ nhiều kỳ, lãi vay dài hạn do không khai thác được hết năng lực sản xuất của nhà máy để tiết giảm chi phí vận hành.
Trước tác động tiêu cực của thị trường như đã đề cập ở trên đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty, dẫn đến phát sinh các khoản vay và lãi ngân hàng quá hạn thanh toán.
Về các khoản công nợ phải thu khó đòi, lãnh đạo Fortex lý giải, tình hình chung của thị trường và dịch bệnh Covid-19 khiến các đối tác của công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn kinh doanh vừa qua dẫn tới chưa thanh toán được các công nợ này. Công ty cho biết, sẽ tích cực liên tục đối chiếu công nợ và làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo của đối tác.
Mai Chi