Thị trường kết thúc phiên giao dịch hôm qua (27/11) với trạng thái trái chiều của hai chỉ số: VN-Index tăng 1,38 điểm tương ứng 0,14% lên 978,17 điểm còn HNX-Index giảm 0,76 điểm tương ứng 0,73% còn 103,23 điểm. Trên UPCoM, chỉ số nhích nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,09% lên 56,02 điểm.
Nhìn chung, thị trường đã trải qua một phiên giằng co và các chỉ số có xu hướng đi xuống về cuối phiên, áp lực bán mạnh trong khi lực cầu không đủ để đỡ chỉ số.
Thanh khoản trên HSX ở mức 197,96 triệu cổ phiếu tương ứng 3.646,48 tỷ đồng; HNX có 16,05 triệu cổ phiếu tương ứng 186,58 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 6,41 triệu cổ phiếu tương ứng 101,02 tỷ đồng.
Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có kế hoạch niêm yết
Cặp cổ phiếu FLC tiếp tục là tâm điểm giao dịch. Khối lượng chuyển nhượng tại ROS lên tới 32,12 triệu đơn vị và tại FLC là 16,13 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, một số mã khác cũng được giao dịch mạnh là HVG, HQC, HAI, TSC, VRE, HPG, HSG, STB…
Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm. Có tổng cộng 315 mã giảm giá, 25 mã giảm sàn so với 284 mã tăng và 40 mã tăng trần.
Thị trường tiếp tục diễn ra phân hoá trong nhóm các mã cổ phiếu có vốn hoá lớn và theo đó tác động đến chỉ số chính theo hai chiều trái ngược. Nếu như VCB tăng giá và đóng góp 1,74 điểm cho VN-Index, BID đóng góp 0,8 điểm và VIC đóng góp 0,39 điểm thì VNM, VHM, HDB, PLX, MSN lại giảm và gây thiệt hại đáng kể cho chỉ số.
Cổ phiếu VIC hôm qua hồi phục 400 đồng tương ứng 035% về 115.600 đồng sau khi để mất tới 1.000 đồng trong hai phiên 25 và 26/11.
Tập đoàn này sau khi công bố định hướng phát triển trở thành một công ty công nghệ là không ngừng gây bất ngờ, và gần đây nhất là hé lộ tình trạng lỗ của “con cưng” VinFast.
Nói với báo chí sau đó, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó tổng giám đốc VinFast lý giải, minh bạch thông tin trong mọi hoạt động là nguyên tắc nhất quán của Vingroup. Đáng chú ý, đại diện VinFast cũng khẳng định “chắc chắn sẽ có kế hoạch niêm yết” hãng xe này sau một thời gian nữa.
Về giá xe VinFast, “nữ phó tướng” Nguyễn Thị Vân Anh cũng cho biết thêm rằng, thay vì giảm dần từ đỉnh thì giá xe VinFast sẽ từ từ đi lên theo lộ trình đã được công khai. Riêng đối với giá bán chiếc Lux A2.0 ở mức 1,099 tỷ đồng như hiện tại do áp dụng chính sách “3 không cộng ưu đãi”, VinFast lỗ gần 300 triệu đồng/xe do chi phí thuế cố định là 412,1 triệu đồng, chiếm gần 50% giá xe thực tế.
Theo khẳng định của đại diện VinFast, hãng xe này không có bất cứ sự hỗ trợ nào đặc biệt từ Nhà nước (ngoài các chính sách chung đối với doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam). Thuế áp dụng gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… cùng các loại chi phí khác.
Trở lại với thị trường chứng khoán, nêu ra nhận định với triển vọng thị trường, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 971-974 điểm trong phiên kế tiếp ngày 28/11. Đây vẫn là vùng hỗ trợ được chúng tôi kỳ vọng sẽ giúp thị trường hồi phục tăng điểm trở lại.
Theo các chuyên gia BVSC, sau nhịp sụt giảm mạnh trước đó, xung lực giảm điểm của thị trường vẫn còn khá mạnh nên kể cả trong kịch bản thị trường giữ được vùng hỗ trợ trên thì thị trường vẫn sẽ cần thêm thời gian dao động tích lũy trong vùng 971-985 điểm trước khi phát đi những tín hiệu hồi phục có độ tin cậy cao hơn.
Đồng thời, nhóm phân tích vẫn để ngỏ khả năng chỉ số có thể giảm về vùng hỗ trợ mạnh trung hạn 949-955 điểm trong kịch bản tiêu cực ngưỡng hỗ trợ 971 điểm bị xuyên thủng.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt đánh giá, xu hướng chung của thị trường chứng khoán vẫn đang có diễn biến xấu, mặc dù hồi phục nhưng dòng tiền chảy vào thị trường rất yếu, các nhịp hồi kỹ thuật cũng không rõ nét.
Các nhà đầu tư được khuyên cần nên cẩn trọng trong thời gian này để không bị ảnh hưởng nhiều về diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán giai đoạn hiện nay.
Mai Chi