Thanh khoản cải thiện, tuy nhiên đà tăng của thị trường đã bị thu hẹp đáng kể trong phiên chiều 7/7.
Chỉ số chính VN-Index đóng cửa phiên này với mức tăng 2,26 điểm tương ứng 0,26% lên 863,42 điểm. Trong phiên, có thời điểm VN-Index đã chạm ngưỡng 872 điểm.
HNX-Index tăng 0,64 điểm tương ứng 0,56% lên 113,71 điểm còn UPCoM-Index lại giảm 0,12 điểm tương ứng 0,22% còn 56,35 điểm.
Thanh khoản có dấu hiệu chuyển biến tích cực trên HSX. Sàn này ngày hôm qua ghi nhận có 330,9 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch đạt 5.716,59 tỷ đồng.
Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 33,37 triệu cổ phiếu tương ứng 348,86 tỷ đồng; UPCoM có 11,78 triệu cổ phiếu tương ứng 153,01 tỷ đồng.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk
Trên thị trường, chênh lệch số lượng mã tăng - giảm không đáng kể. Nếu như phía tăng có 344 mã, 34 mã tăng trần thì bên giảm có 328 mã, 29 mã giảm sàn. Độ rộng thị trường vẫn nghiêng nhẹ về phía các mã tăng.
Cổ phiếu vốn hoá lớn quay trở lại tình trạng phân hoá. Nhóm tăng điểm nổi bật có cặp “ông trùm” ngành bia: SAB của Sabeco với mức tăng 4.600 đồng lên 185.100 đồng; BHN của Habeco tăng 2.500 đồng lên 53.900 đồng. HPG, BID, VCB, CTG, VRE, HVN… cũng đều đang tăng giá.
Tuy vậy, thành tích của VN-Index lại bị ảnh hưởng đáng kể cho MSN giảm xuống 57.000 đồng, VNM giảm xuống 116.000 đồng, VIC, VPB cũng trong tình trạng giảm.
Trong ngày hôm qua, hoạt động giao dịch tại FLC trở nên sôi động hơn, mặc dù mã này giảm còn 3.460 đồng. Thanh khoản tại FLC đạt tới 37,52 triệu cổ phiếu. HPG cũng là mã được giao dịch rất mạnh, khớp lệnh đạt hơn 28 triệu đơn vị và tăng giá 750 đồng lên 28.350 đồng/cổ phiếu.
Hôm qua, cả VNM và GTN đều giảm giá. GTN mất 0,27% còn 18.650 đồng/cổ phiếu. Diễn biến này của cổ phiếu Vinamilk và GTNFoods sau khi Hội đồng quản trị (HĐQT) Sữa Mộc Châu có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc phát hành tăng vốn, đầu tư mở rộng trang trại, đồng thời niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên sàn chứng khoán TPHCM (HSX).
Cụ thể, Mộc Châu sẽ chào bán hơn 39 triệu đơn vị cho Vinamilk và GTNFoods với giá phát hành dự kiến 30.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị thu về đạt 1.176 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty này cũng phát hành 3,34 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 100:5 với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 66,8 tỷ đồng; chủ trương phát hành 668.000 cổ phiếu ESOP, giá trị tính theo mệnh giá là 6,68 tỷ đồng.
Tổng tiền thu về từ 3 đợt phát hành hơn 1.249 tỷ đồng sẽ được Mộc Châu chi đầu tư trang trại bò sữa quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái, nâng cấp trang trại hiện hữu lên 2.000 con và đầu tư cho dây chuyền sản xuất sữa nước, xây nhà máy mới. Tổng vốn đầu tư cho các dự án này là 1.600 tỷ đồng.
Về kế hoạch niêm yết, hãng sữa sẽ lên sàn HSX và kế hoạch này sẽ được thực hiện không quá 9 tháng kể từ khi được ĐHĐCĐ đồng ý.
Theo nhận định của BVSC, VN-Index dự báo có thể gặp áp lực điều chỉnh trong 1-2 phiên kế tiếp. Chỉ số có thể lui về lấp khoảng trống tăng giá trong phiên hôm qua tương ứng với vùng 858-860 điểm hoặc giảm về vùng hỗ trợ mạnh quanh 850 điểm.
Nhóm phân tích này đánh giá, về tổng thể, sau khi bứt phá qua vùng 850 điểm thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ còn dư địa tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường sẽ gặp khó khăn khi thông tin kết quả kinh doanh quý 2 được công bố do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận dự kiến của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Công ty SHS cũng đưa ra dự báo, trong phiên hôm nay 8/7, VN-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 855 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu được khuyến nghị nên quan sát thị trường và có thể bán giảm tỷ trọng nếu như VN-Index đánh mất ngưỡng 855 điểm. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và có thể giải ngân trở lại nếu VN-Index có nhịp giảm về gần ngưỡng 805 điểm.
Mai Chi