Thị trường chứng khoán khép lại phiên cuối tuần (18/10) với diễn biến bất lợi vào cuối phiên. VN-Index đóng cửa giảm sút 0,62 điểm tương ứng 0,06% còn 989,2 dù hầu hết thời gian trong phiên đều hoạt động trên đường tham chiếu. HNX-Index tương tự cũng mất 0,59 điểm tương ứng 0,55% còn 105,48 điểm.
Khối lượng giao dịch đạt 174,42 triệu cổ phiếu tương ứng 3.540,39 tỷ đồng trên HSX và 23,56 triệu cổ phiếu tương ứng 276,51 tỷ đồng trên HNX.
Điểm tích cực là độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía các mã tăng giá. Tổng cộng có 322 mã tăng, 58 mã tăng trần so với 299 mã giảm và 29 mã giảm sàn trên toàn thị trường.
Trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn tiếp tục diễn ra phân hoá khi VNM, VHM, PLX tăng giá và ảnh hưởng tích cực đến VN-Index còn ở chiều ngược lại, BID, MSN, CTG, HVN lại giảm và tác động tiêu cực lên chỉ số.
Ông Trịnh Văn Quyết - ông chủ FLC
Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC tiếp tục làm nên kỳ tích khi tăng trần lên 4.630 đồng/cổ phiếu, thanh khoản “khủng” tới 16,7 triệu đơn vị. Hết phiên, mã này vẫn còn dư mua giá trần 14,1 triệu cổ phiếu và không hề còn dư bán.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm qua mua ròng gần 57 nghìn cổ phiếu FLC, trong đó mua vào gần 152 nghìn đơn vị và bán ra hơn 95 nghìn đơn vị. Đây cũng là một trong 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index.
Nhờ vào diễn biến tăng trần 5 phiên liên tiếp, hiện vốn hoá của FLC trên thị trường chứng khoán đã tăng từ dưới 2.500 tỷ đồng phiên 13/10 lên gần 3.300 tỷ đồng chốt phiên 18/10.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC là cổ đông lớn nhất tại tập đoàn này với sở hữu trên 150,4 triệu cổ phiếu tương ứng 21,19% vốn điều lệ.
Như đã đưa tin, FLC tăng giá mạnh trong bối cảnh tập đoàn này vừa chốt ngày chốt quyền phát hành thêm gần 300 triệu cổ phiếu tỷ lệ 1.000:422 (sở hữu 1.000 cổ phiếu được quyền mua thêm 422 cổ phiếu), đưa vốn điều lệ lên 10.100 tỷ đồng.
Đồng thời, vốn điều lệ của Bamboo Airways, hãng bay của tập đoàn này, cũng được nâng lên 2.000 tỷ đồng trước khi thực hiện IPO vào năm tới.
Diễn biến giá FLC trong 1 tháng giao dịch
Trở lại với diễn biến thị trường chứng khoán, trong nhóm đi ngược thị trường ngày hôm qua còn có HAX của Ô tô Hàng Xanh (Haxaco), FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex). Hai mã này cũng có mạch tăng trần nhiều phiên, cuối phiên dư bán trần lớn, mọi lệnh mua đều được quét sạch.
Cụ thể, HAX tăng trần lên 23.250 đồng/cổ phiếu, dư mua trần gần 74 nghìn đơn vị còn FTM tăng trần lên 3.620 đồng/cổ phiếu, dư mua trần gần 124 nghìn cổ phiếu.
Trong tuần tới, theo nhận định của BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục biến động giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp. VN-Index nhiều khả năng sẽ vẫn dao động trong vùng 987-998 điểm.
Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh theo thông tin lợi nhuận quý 3 của từng doanh nghiệp cụ thể. Danh mục các cổ phiếu trong rổ VN30 dự kiến sẽ có sự xáo trộn đáng kể khi các quỹ đầu tư theo rổ chỉ số này sẽ phải thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục quý 3 trong những tuần cuối tháng 10.
Về diễn biến các nhóm ngành, các ngành dự kiến có kết quả lợi nhuận quý 3 tích cực theo dự báo của BVSC vẫn là ngân hàng, bất động sản, cao su tự nhiên, cao su săm lốp… Bên cạnh đó, một số các cổ phiếu trong rổ VN30 như VNM, MSN, VJC, REE… cũng được dự báo sẽ có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ cho thị trường trong tuần tới.
Theo đó, chiến lược đầu tư được BVSC khuyến nghị đó là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-40% cổ phiếu. Có thể áp dụng các hoạt động trading, ưu tiên cổ phiếu có sẵn trong danh mục trong giai đoạn thị trường đi ngang hiện tại.
Với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, có thể xem xét bán trading trong các phiên thị trường tăng điểm, đặc biệt là khi chỉ số tiếp cận lại vùng kháng cự tâm lý quanh 1000 điểm. Có thể thực hiện mua đón đầu ở một số cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng trong các nhịp điều chỉnh của các cổ phiếu này.
Mai Chi