Tường An tính chia cổ tức cực khủng cho cổ đông trước sáp nhập
Tường An tính chia cổ tức “khủng” trước khi sáp nhập vào KIDO
Không nằm ngoài xu hướng chung, cổ phiếu KDC của Tập đoàn KIDO hôm qua đã bị chốt lời và giảm nhẹ 0,67% còn 29.800 đồng. Dù vậy, tính chung trong 1 tháng qua, KDC vẫn tăng hơn 75% giá trị và tăng tới 106,94% so với đáy hồi cuối tháng 3.
Ngược lại, cổ phiếu TAC của Công ty cổ phần Dầu Thực vật Tường An vẫn tăng trần 2.450 đồng lên 37.450 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, TAC đã tăng giá tới 106,23% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Một thông tin đang gây xôn xao giới đầu tư những ngày qua đó là việc Ban lãnh đạo Dầu thực vật Tường An đang lên kế hoạch sẽ xin ý kiến cổ đông chủ trương sáp nhập vào Tập đoàn KIDO.
Tập đoàn KIDO đang là cổ đông lớn nhất sở hữu trực tiếp gần 62% cổ phần TAC. Trong khi đó, Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC), đơn vị đang sở hữu 26,5% TAC cũng là công ty con của KDC.
Trước khi các giao dịch được tiến hành, TAC dự kiến thực hiện một đợt cổ tức đặc biệt với tỷ lệ lên tới 75% (7.500 đồng/cổ phiếu) bằng tiền mặt. Chính sách này của TAC nhằm chia lại một phần lợi ích cho các cổ đông khác ngoài KIDO.
Trong một động thái có liên quan, một công ty con khác của KIDO là Thực phẩm Đông lạnh KIDO (mã KDF), chủ thương hiệu kem Merino và Celano cũng đang lên kế hoạch sáp nhập vào tập đoàn mẹ.
Chốt lời ồ ạt
Hoạt động chốt lời được đẩy mạnh trong phiên chiều qua đã khiến các chỉ số bị sụt mạnh. VN-Index đánh mất 11,65 điểm tương ứng 1,34% còn 857,48 điểm. HNX-Index cũng giảm 1,6 điểm tương ứng 1,45% còn 108,89 điểm và UPCoM-Index giảm 0,4 điểm tương ứng 0,72% còn 54,93 điểm.
Tuy nhiên, song song với đó, thanh khoản cũng lên cao. Có tới 6.686,7 tỷ đồng được nhà đầu tư đưa vào sàn HSX trong ngày hôm qua và 388,89 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn này.
HNX cũng có 58,07 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 670,43 tỷ đồng và trên UPCoM là 23,09 triệu cổ phiếu tương ứng 268,8 tỷ đồng. Tổng cộng, có 7.625 tỷ đồng đã đổ vào thị trường để mua cổ phiếu trong phiên hôm qua.
Trên quy mô thị trường chung có tới 443 mã giảm giá, 34 mã giảm sàn. Số lượng mã giảm hoàn toàn áp đảo so với số mã tăng (278 mã tăng, 58 mã tăng trần).
Trong rổ VN30, có tới 21 mã giảm giá và chỉ có 4 mã tăng và theo đó, chỉ số rổ này giảm tới 13,65 điểm tương ứng 1,67%.
Một số mã lớn bị chốt lời mạnh đã gây áp lực đáng kể lên VN-Index. VNM giảm 2.600 đồng còn 115.000 đồng, BID giảm 2.200 đồng còn 39.800 đồng, VHM giảm 1.700 đồng còn 74.700 đồng, HPG giảm 1.200 đồng còn 27.200 đồng…
Theo đó, thiệt hại do BID, VHM, VNM gây ra cho chỉ số chính VN-Index lần lượt là 2,52 điểm, 1,62 điểm và 1,29 điểm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn có những cổ phiếu bám trụ được ở trạng thái tăng. Có thể kể đến VCB, HVN, NVL, EIB, VCF, GAS… CTD tăng trần.
Khối nhà đầu tư nước ngoài hôm qua đẩy mạnh bán ròng hơn 120 tỷ đồng. Trong đó, nhóm này mua vào 13,6 triệu cổ phiếu, trị giá gần 500 tỷ đồng nhưng bán ra 28,1 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 620 tỷ đồng.
Trên HSX, hoạt động bán ròng tập trung tại HPG (83 tỷ đồng), VRE, VJC, CII, CRE nhưng lại mua ròng VCB, GAS, VIC, HSG.
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), lực bán mạnh và chủ động cho thấy nhiều nhà đầu tư trên thị trường đang có động thái chủ động chốt lời khi VN-Index chưa thể bứt phá khỏi vùng kháng cự 870 điểm và thị trường chung thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư được khuyên chỉ nên cân nhắc giải ngân với tỷ trọng nhỏ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình cho mục tiêu “lướt sóng” ngắn hạn và chú ý nhiều hơn đến biến động của thị trường chung để có thể kịp thời cơ cấu lại danh mục nếu cần thiết.
Mai Chi