Fica
  1. Chứng Khoán

Qua cơn hoảng loạn, nữ đại gia hàng không “đòi về” hơn 300 tỷ đồng trong sáng nay

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Sau 3 phiên giảm mạnh và có lúc VN-Index bị “tuột” mốc 900 điểm, sáng nay, thị trường đã có dấu hiệu "cầm máu". Cổ phiếu “ông lớn” hàng không Vietjet Air tăng trở lại và theo đó, giá trị tài sản của nữ đại gia Nguyễn Thị Phương Thảo hồi phục hơn 300 tỷ đồng.

Phiên giao dịch sáng nay (4/1), các chỉ số có lúc đã đạt được trạng thái tăng nhẹ vào đầu phiên nhưng ngay sau đó lập tức quay đầu và hoạt động dưới ngưỡng tham chiếu. Trạng thái rung lắc phổ biến trên các sàn giao dịch cơ sở.

Đồ thị VN-Index như một biểu đồ hình Sin và hiện chỉ số này đang ghi nhận giảm 2,61 điểm tương ứng 0,28% còn 925,53 điểm trong khi HNX-Index tăng 0,32 điểm tương ứng 0,32% lên 101,64 điểm. Trên thị trường UPCoM, chỉ số tăng 0,15 điểm tương ứng 0,27% lên 54,52 điểm.

Qua cơn hoảng loạn, nữ đại gia hàng không “đòi về” hơn 300 tỷ đồng trong sáng nay - 1

Cổ phiếu VJC của hãng hàng không do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sáng lập đã tăng giá trở lại

Điều này cho thấy, mặc dù áp lực bán đã giảm song tâm lý nhà đầu tư phần lớn vẫn còn tỏ ra thận trọng.

Khối lượng giao dịch trong phiên sáng trên HSX đạt 105,04 triệu cổ phiếu tương ứng dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu ở mức 1.947,91 tỷ đồng và trên HNX là 18,54 triệu cổ phiếu tương ứng 169,32 tỷ đồng. Trên sàn UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 4,91 triệu cổ phiếu tương ứng 63,81 tỷ đồng.

Như vậy, giữa bối cảnh chung còn nhiều nghi ngại và vẫn còn áp lực bán ra, song một bộ phần nhà đầu tư vẫn đánh cược vào triển vọng phục hồi và quyết tâm dò bắt đáy cổ phiếu.

Số lượng mã giảm dù vẫn chiếm ưu thế với 298 mã và có 34 mã giảm sàn song không cách biệt lớn so với 235 mã tăng và 19 mã tăng trần. Tình hình thị trường chung gần như đã vượt qua cú “sốc” của 3 phiên giảm liên tục ngay sau Tết Canh Tý.

“Ông lớn” hàng không VJC của hãng bay Vietjet Air sáng nay đã lấy lại được 3.400 đồng trên mỗi cổ phiếu, hồi phục về 128.900 đồng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn đạt dưới 150 nghìn đơn vị.

Trong 3 phiên trước, VJC đánh mất tổng cộng 21.000 đồng trên mỗi đơn vị cổ phiếu, trong đó có 1 phiên giảm sàn vào ngày 31/1. Tuy nhiên, với phiên hồi phục sáng nay, thiệt hại của mã này đã được thu hẹp. Giá trị tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã kịp “hồi lại” trên 316 tỷ đồng.

Cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mặc dù vẫn đang giảm giá, tuy nhiên, biên độ giảm đã thu hẹp còn 300 đồng/cổ phiếu, mức giá tạm thời ở mức 26.700 đồng.

Sáng nay, VIC, SAB, VNM, VRE, PLX, MWG là những mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số chính. Trong đó, thiệt hại có VIC, SAB và VNM gây ra lần lượt là 2,15 điểm, 1,29 điểm và 1,01 điểm.

Chiều ngược lại, CTG tiếp tục là mã có ảnh hưởng tích cực nhất cho VN-Index. Mã này đóng góp 1,57 điểm cho chỉ số. Bên cạnh đó là đóng góp của GAS, VHM cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng như BID, VPB, MBB, TCB… cũng hỗ trợ đáng kể cho đà hồi phục của VN-Index.

Trong phiên giao dịch hôm qua, nhiều mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán bị bán tháo. VN-Index có lúc đánh mất 43 điểm, vốn hoá thị trường bị thổi bay hơn 5 tỷ USD trước khi thu hẹp biên độ giảm vào cuối phiên.

Xuất hiện trên báo chí, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đã khuyên nhà đầu tư có cái nhìn đa chiều và điềm tĩnh hơn với diễn biến thị trường.

Theo ông Dũng, trong trường hợp cần thiết, một số nước sử dụng hệ thống tự động ngắt mạch giao dịch khi giá chứng khoán giảm quá ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có chính sách này nên việc tạm ngưng giao dịch (nếu có) sẽ theo quyết định của cơ quan điều hành. Bản thân Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chuẩn bị kịch bản ứng phó.

Mặc dù vậy, người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán khẳng định sẽ không xảy ra tình huống nói trên do tình hình vẫn “chưa đến nỗi nào”. Phản ứng của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường thế giới đều giảm sâu là điều dễ hiểu, song vẫn có phần thái quá.

Trước đó, thị trường chứng khoán cũng đã xảy ra tiền lệ với dịch SARS và H5N1, các thị trường cũng có phản ứng tức thì nhưng sau đó phục hồi ngay khi có quốc gia công bố khống chế được dịch. Lần này, ông Dũng hi vọng cũng sẽ xảy ra tương tự.

Đưa ra nhận định về phiên giao dịch ngày 4/2, nhiều công ty chứng khoán cũng có nhận định khá tích cực.

Chuyên gia SHS cho rằng, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nhằm lấp khoảng gap giữa hai phiên 31/1 và 3/2 trong khoảng 930-937 điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị không nên quá lo lắng trong tình hình hiện tại do trong lịch sử thị trường chứng khoán, những dịch bệnh đã xảy ra và được kiểm soát; sau đó, thị trường chứng khoán thường hồi phục tốt và vượt qua được mức điểm số trước đó.

Do đó, SHS cho rằng, nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo cổ phiếu trong vùng giá này. Những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 900-920 điểm (vùng tích lũy đầu 2019) nếu có sẽ là cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư.

Mai Chi

Tin liên quan