Tình trạng nghẽn lệnh cuối phiên chiều đã làm gián đoạn hoạt động bắt đáy của NĐT. |
VN-Index đóng cửa phiên 27/5 mất 13,13 điểm tương ứng 1% còn 1.303,57 điểm. Như vậy, chỉ số vẫn giữ được mốc 1.300 điểm. Đây không phải là diễn biến bất ngờ của thị trường vì vùng giằng co 1.300 - 1.320 điểm đã được giới phân tích dự báo từ trước.
Cổ phiếu VN30 bị bán mạnh, nguyên nhân là trong số này có những mã đã vượt đỉnh và thu hút rất mạnh mẽ dòng tiền. VN30-Index ghi nhận mức điều chỉnh 17,73 điểm tương ứng 1,22% còn 1.437,38 điểm.
Cụ thể, TCH giảm 3,9%; MSN giảm 3,2%; PLX giảm 2,5%; GAS giảm 2,2%; MWG giảm 1,7%; FPT giảm 1,6%; VRE giảm 1,6%...
Đặc biệt là nhóm tài chính, ngân hàng bị chốt lời khi nhà đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận: SSI giảm 3,3%; BID giảm 2,7%; MBB giảm 2,7%; TCB giảm 2,7%; CTG giảm 2,5%; HDB giảm 2,4%; TPB giảm 2,4%; VCB giảm 1,7%...
Cổ phiếu thép cũng đồng loạt điều chỉnh. BVG giảm 4%; TLH giảm 3,1%; KKC giảm 2,8%; SMC giảm 2,8%; POM giảm 2,5%; TVN giảm 2,1%; HPG giảm 1,5%; VGS giảm 1,5%.
Trong khi đó, HNX-Index cuối phiên đã kịp hồi phục về sát mức tham chiếu, chỉ còn mất 0,41 điểm tương ứng 0,14% còn 304,45 điểm. UPCoM-Index thậm chí tăng 1,02 điểm tương ứng 1,23% lên 84,08 điểm.
Có thể thấy cuối phiên chiều, lực bắt đáy đã vào thị trường nhưng do tình trạng nghẽn lệnh tái diễn, do đó, nhà đầu tư phải “bó tay”, không thể giao dịch mua - bán được trên HSX và chỉ số gần như đi ngang, không thể bật trở lại.
Đây là lý do khiến VN-Index không hồi phục nổi, ngược lại với HNX-Index và UPCoM-Index. Trường hợp không xảy ra tắc nghẽn, có thể chỉ số đã diễn biến tích cực hơn vào cuối phiên chiều qua.
Đã có tới 24.088,25 tỷ đồng được giải ngân vào HSX, khối lượng giao dịch đạt 732,99 triệu đơn vị. Con số này trên HNX là 137,89 triệu cổ phiếu tương ứng 3.144,22 tỷ đồng; UPCoM có 70,11 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.217,93 tỷ đồng.
Rõ ràng, lượng tiền vẫn rất dồi dào và tâm lý nhà đầu tư trên thị trường vẫn rất tốt, chưa đáng lo ngại. Việc điều chỉnh khiến chỉ số “hạ nhiệt” mang tính kỹ thuật và cần thiết để các chỉ số đi lên bền vững hơn. Hơn nữa, các nhịp chỉnh cũng sẽ “rũ” được một lượng lớn cổ phiếu dùng tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao, giảm bớt căng thẳng cho các công ty chứng khoán.
Một điều cũng rất thú vị là trong nhịp điều chỉnh này, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhỏ vẫn hút dòng tiền, tăng giá mạnh.
VBB tăng 13,8% lên 18.100 đồng; NVB tăng 9,4% lên 19.800 đồng; BVB tăng 8,6% lên 20.300 đồng; ABB tăng 7,5% lên 21.500 đồng; PGB tăng 6,4% lên 18.400 đồng; BAB tăng 3,9% lên 29.100 đồng; LPB tăng 3,1% lên 26.200 đồng; MSB tăng 1,8% lên 25.700 đồng; VIB và OCB vẫn tiếp tục tăng giá.
Điểm tích cực là trong phiên hôm qua khối ngoại vẫn mua ròng khoảng 256,6 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó mua ròng 108 tỷ đồng trên HSX. Nhóm cổ phiếu được mua ròng có PLX, VNM, VCB, VRE, MSN, NVL, BVH, VIC… Khối ngoại bán ròng rất mạnh nhóm cổ phiếu thép, ngân hàng như HPG, VPB, TPB, MBB, VHM, LPB.
Mai Chi