Cổ phiếu của Vingroup tiếp tục khẳng định vai trò "đầu kéo" của thị trường ở phiên giao dịch ngày hôm qua (6/4). Trong bối cảnh thị trường chịu áp lực chốt lời thì lực kéo tại VIC giúp thị trường giữ vững được đà tăng và bảo toàn thành quả đạt được trong nhiều phiên nỗ lực.
Cụ thể, VIC tăng 2.700 đồng tương ứng 2,17% lên 127.000 đồng/cổ phiếu - cũng là mức giá đóng cửa cao nhất mọi thời đại của VIC trong lịch sử kể từ khi VIC niêm yết trên thị trường chứng khoán cho tới nay.
Lịch sử giá của cổ phiếu VIC (Ảnh chụp màn hình).
VIC đã phá "đỉnh" của chính mã này thiết lập năm 2018 (Ảnh chụp màn hình).
Với chuỗi tăng giá ấn tượng trong thời gian qua, VIC đóng vai trò lớn đưa VN-Index vượt 1.200 điểm và thiết lập đỉnh mới. Bản thân mã này cũng đã tăng 8,55% trong vòng 1 tuần giao dịch và tăng tới 19,47% trong 1 tháng qua. So với đầu năm, VIC tăng 17,05%.
Diễn biến này của VIC cũng đã đưa giá trị tài sản của các cổ đông lớn tại Vingroup lên cao nhất lịch sử. Cụ thể, với tổng sở hữu trên 1,9 tỷ đơn vị cổ phiếu VIC, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - hiện đạt 234.379 tỷ đồng.
Còn theo thống kê của Forbes, chỉ trong ngày hôm qua, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm 185 triệu USD (tương ứng tăng 2,17%) lên 8,7 tỷ USD (tính theo thời gian thực). Ông Vượng xếp thứ 273 trong danh sách những người giàu nhất thế giới hiện nay.
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng 185 triệu USD chỉ trong 1 ngày (Ảnh: Forbes/Bloomberg).
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tại kỳ thống kê tháng 4 của Fobes và con số tính theo thời gian thực đã vượt xa con số tại thời điểm xếp hạng (Nguồn: Forbes).
Bên cạnh đó, tài sản Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup - cũng tăng lên con số 19.184 tỷ đồng, đứng thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Phu nhân của ông Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu trên 151 triệu cổ phiếu VIC.
Các chị em gái của bà Hương là bà Phạm Hồng Linh và bà Phạm Thúy Hằng cũng lần lượt sở hữu khối lượng cổ phiếu trị giá 1.541 tỷ đồng và 12.812 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch chiều ngày 6/4, do tình trạng "đơ nghẽn", quá tải lệnh trên sàn HSX, chỉ số chính VN-Index đi ngang với thanh khoản gần như tê liệt.
Đóng cửa, VN-Index tăng 3,91 điểm tương ứng 0,32% lên 1.239,96 điểm. Trong mức tăng này của chỉ số thì riêng cổ phiếu VIC của Vingroup đã góp vào tới 2,42 điểm. VN30-Index cũng diễn biến "đồng pha", tăng 5,46 điểm tương ứng 0,44% lên 1.255,36 điểm.
Trong rổ VN30 chỉ có phân nửa mã tăng, còn lại giảm và đứng giá tham chiếu. TCH tăng 5,5% lên 25.900 đồng; MBB tăng 3,3% lên 31.400 đồng; CTG tăng 2,4% lên 43.000 đồng; VIC tăng 2,2% lên 127.000 đồng; TCB tăng 1,7%; BVH tăng 1,5%; NVL tăng 1,5%... Ngược lại, nhiều mã bị chốt lời như STB, POW, MSN, VNM, TPB, SBT, REE, MWG…
VNSML-Index bứt tốc tăng 2,77 điểm tương ứng 0,21% lên 1.315,31 điểm nhờ có một loạt cổ phiếu nhỏ tăng trần như AMD, FCM, JVC, LGL, TDG, TNT, TSC, CCL, DLG, HCD, TNI, TVB, VOS. Lực cầu tại những mã này rất mạnh, mã nào cũng trắng bên bán và có dư mua trần.
Thanh khoản toàn phiên trên HSX ở mức 694 triệu cổ phiếu tương ứng 16.896,25 tỷ đồng. Do phiên chiều nhà đầu tư hoàn toàn "bó tay" với việc giao dịch trên HSX nên dòng tiền chuyển hướng sang HNX và UPCoM, giải ngân tại những cổ phiếu có triển vọng ở các sàn này.
Thanh khoản toàn phiên trên HNX đạt 189,51 triệu cổ phiếu tương ứng 3.487,21 tỷ đồng và trên UPCoM là 80,18 triệu cổ phiếu tương ứng 1.117,14 tỷ đồng.
Nhờ có dòng tiền khỏe gia nhập, các chỉ số cũng được cải thiện. HNX-Index thoát vùng giá đỏ, đóng cửa đạt trạng thái tăng 0,44 điểm tương ứng 0,15% lên 291,68 điểm. UPCoM-Index thu hẹp biên độ giảm giá, chỉ còn giảm 0,25 điểm tương ứng 0,3% còn 82,6 điểm.
Nhiều cổ phiếu trên các sàn này đang được nhà đầu tư quan tâm mạnh như ART, VC3, CSC, VGP, VIG, CET, DS3… Các mã này đều đang tăng trần.
So với phiên sáng thì tương quan số mã tăng - giảm ở phiên buổi chiều đã cải thiện với 478 mã giảm, 13 mã giảm sàn và 477 mã tăng, 89 mã tăng trần trên toàn thị trường.
Mai Chi