Phiên giao dịch cuối tuần (14/2) khép lại với diễn biến trái chiều trên hai sàn chứng khoán: Trong khi VN-Index giảm 0,79 điểm tương ứng 0,08% xuống 937,45 điểm thì HNX-Index lại tăng 1,55 điểm tương ứng 1,43% lên 109,74 điểm. UPCoM-Index tăng 0,3 điểm tương ứng 0,54% lên 56,47 điểm.
Nhìn chung, các chỉ số đều đã trải qua một phiên giằng co, riêng VN-Index rung lắc mạnh quanh mốc tham chiếu.
Thanh khoản phiên này lại khá cao. Sàn HSX có 204,35 triệu cổ phiếu giao dịch thu hút dòng tiền 3.696,75 tỷ đồng mua cổ phiếu, và con số này trên HNX là 30,65 triệu cổ phiếu tương ứng 411,66 tỷ đồng; trên UPCoM là 10,86 triệu cổ phiếu tương ứng 127,63 tỷ đồng.
Về cuối phiên, độ rộng thị trường có phần nghiêng nhẹ về phía các mã tăng, song mức chênh lệch tăng - giảm không đáng kể. Có 330 mã tăng, 63 mã tăng trần so với 319 mã giảm và 44 mã giảm sàn.
Doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng đã chiêu mộ nhiều nhân tài về làm việc
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn có sự phân hoá khá mạnh. Nếu như VHM tăng và giúp VN-Index tăng thêm 1,56 điểm thì VIC giảm lại lấy đi của chỉ số chính 2,35 điểm.
Bên cạnh đó, phía tăng còn có TCB, GAS, VPB, MBB, TPB, VRE còn phía giảm có CTG, BID, HDB, VNM, SAB. Nói cách khác, ngay cả nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không có được sự thống nhất. Chính điều này gây ra tình trạng rung lắc mạnh cho VN-Index phiên cuối tuần.
VIC của Vingroup hôm qua giảm 2.400 đồng tương ứng 2,14% xuống mức giá 110.000 đồng. Đây cũng là mã có tác động mạnh nhất lên chỉ số do vốn hoá lớn nhất thị trường.
Diễn biến của VIC là khá bất ngờ, đặc biệt sau khi có thông tin tập đoàn này đã chiêu mộ thành công ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam, cựu Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam về làm Tổng giám đốc VinID thay cho bà Nguyễn Thị Dịu.
Việc bổ nhiệm này được kỳ vọng sẽ giúp VinID củng cố sức mạnh để phát triển mạnh mẽ hơn, cạnh tranh với các đối thủ, đồng thời trở thành một công ty dịch vụ độc lập, vươn mình ra ngoài hệ sinh thái Vingroup.
Ông Nguyễn Tuấn Anh đầu quân cho VinID
Ông Tuấn Anh là người đặt nền móng đầu tiên cho hoạt động của Grab khi gia nhập thị trường Việt Nam năm 2014, mở đường cho việc triển khai thành công dịch vụ đặt xe, đặc biệt là GrabBike. Vị CEO trẻ cũng là người tiên phong mang đến các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng trên ứng dụng Grab.
Trở lại với thị trường, tính chung trong tuần này, VN-Index giảm 3,3 điểm tương ứng 0,35% còn HNX-Index tăng 4,82 điểm tương ứng 4,59%.
Chuyên gia BVSC nhận định, vào tuần tới, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co tích lũy vào đầu tuần trước khi được kỳ vọng sẽ có biến động mạnh theo hướng tăng điểm về cuối tuần.
VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục cần thêm thời gian dao động tích lũy trong vùng được giới hạn bởi vùng hỗ trợ 930-932 điểm và vùng kháng cự 940-943 điểm.
Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng thị trường sẽ sớm bứt phá phá khỏi vùng giá đi ngang này theo hướng tích cực. Nếu vượt qua thành công vùng kháng cự 940-943 điểm, chỉ số hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 960-970 điểm trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư theo đó nên nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục lên mức 30-40% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao vẫn nên xem xét bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 940-943 điểm.
Trong trường hợp thị trường bứt phá thành công qua vùng kháng cự trên, nhà đầu tư có thể thực hiện mở các vị thế mua trading nâng tỷ trọng trong các nhịp điều chỉnh sau đó của thị trường. Tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ thông tin và một số cổ phiếu bluechips cơ bản tốt nhưng giá đang giảm về các vùng hỗ trợ ngắn hạn.
Mai Chi