Fica
  1. Chứng Khoán

“Ông lớn” Sabeco bất ngờ “gục ngã”, hơn 10.000 tỷ đồng phút chốc tiêu tan

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cổ phiếu SAB của Sabeco dù có khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng tự do rất khiêm tốn, thế nhưng đây vẫn một trong những mã “quyền lực” nhất thị trường. Phiên giảm mạnh hôm qua của mã này đã dìm VN-Index, lấy đi của chỉ số hơn 3 điểm và đánh bay hơn 10.000 tỷ đồng vốn hoá của Sabeco.

Phiên giao dịch chiều 18/4 đánh dấu mức giảm mạnh tại cổ phiếu SAB của Tổng công ty Rượu Bia Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Mã này “đổ gục” vào cuối phiên, đánh mất tới 15.800 đồng tương ứng 6,4% và lùi về mức giá 231.000 đồng và theo đó xoá sạch thành quả đạt được trong vòng 3 tháng qua. Lập tức, hơn 10.132 tỷ đồng vốn hoá của SAB cũng lập tức “bốc hơi”.

Sabeco vừa tổ chức xong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên đầu tiên do lãnh đạo người Thái điều phối. Tại đây, lãnh đạo Sabeco cho biết, hãng bia này đặt mục tiêu tăng 6,3% sản lượng, cao hơn so với mức tăng trưởng sản lượng 5% của toàn thị trường và theo đó sẽ tăng thị phần tại Việt Nam, tuy nhiên, việc nắm thị phần đối với Sabeco không quan trọng bằng việc dẫn đầu thị trường và phát triển.

Lãnh đạo Sabeco cũng đưa ra nhận định, thị trường Việt Nam là “viên kim cương” chưa mài dũa hết, tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn nên doanh số bán hàng của Sabeco tại Việt Nam sẽ tăng.

Trong một báo cáo cập nhật vừa công bố, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trên phương diện so sánh ngang, mức P/E 2019 lên đến 33,2 lần cho thấy SAB có vẻ đắt so với các công ty cùng ngành hàng tiêu như MSN và VNM, tuy nhiên, BVSC vẫn ấn tượng bởi sự chuyển mình của Sabeco kể từ khi có sự tham gia của ThaiBev, dù rằng chỉ chưa đến 1 năm.

Do đó, BVSC đánh giá Sabeco là một câu chuyện thú vị và sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư khi đây vẫn là thương hiệu hàng đầu của thị trường bia Việt Nam – một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới.

Tại Sabeco, giới đầu tư vẫn kỳ vọng việc tái cơ cấu toàn diện của ThaiBev sẽ giúp hiệu quả hoạt động của công ty được cải thiện đáng kể trong thời gian tới. Đồng thời không loại trừ khả năng 36% phần vốn Nhà nước còn lại sẽ được thoái trong tương lai.

“Ông lớn” Sabeco bất ngờ “gục ngã”, hơn 10.000 tỷ đồng phút chốc tiêu tan - 1

Cổ phiếu SAB bị "cảm", chỉ số VN-Index cũng "hắt hơi"

Và nói gì thì nói, SAB là cổ phiếu có vốn hoá lớn, đóng góp quan trọng vào rổ cổ phiếu VN30 – là điểm đến của dòng tiền ngoại. Sức tác động của mã này đến VN-Index trong những phiên gần đây cũng đã cho thấy điều này bất chấp cơ cấu cổ đông tại SAB vẫn rất cô đặc với 89,59% cổ phần đã nằm trong tay Vietnam Beverage và Bộ Công Thương, tỷ lệ cổ phiếu được chuyển nhượng tự do trên sàn là khá thấp.

Phiên 18/4, với mức giảm suýt chạm sàn nói trên, SAB lấy đi của VN-Index tới 3,08 điểm, là mã có tác động tiêu cực nhất tới chỉ số. Cùng với tình trạng giảm giá tại VIC, VHM, MSN, GAS, VN-Index đánh mất 9,8 điểm tương ứng 1,01% còn 962,3 điểm trong phiên giao dịch này. Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, chỉ số giảm 0,68 điểm tương ứng 0,64% còn 105,75 điểm.

Thanh khoản vẫn chưa được kích hoạt trong phiên giảm này. Khối lượng giao dịch trên HSX dừng lại tại 160,38 triệu cổ phiếu tương ứng 3.228,16 tỷ đồng và trên HNX là 31,33 triệu cổ phiếu tương ứng 350,87 tỷ đồng.

Theo nhận xét của các chuyên gia phân tích từ VDSC, thị trường tiếp tục giảm mạnh trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh T3/2019, khá tương đồng với các diễn biến của các phiên đáo hạn gần đây. VN-Index đã tạm thời đánh mất ngưỡng hỗ trợ mạnh 965 điểm. Các cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục chịu áp lực chốt lời mạnh. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục ưu tiên nắm giữ tiền mặt trong ngắn hạn.

Trong khi đó, BVSC cho rằng, thị trường đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm về các vùng hỗ trợ sâu hơn trong thời gian tới khi ngưỡng 964 điểm đã bị phá vỡ.

Nếu không thể vượt lên trở lại vùng 964-968 điểm trong phiên cuối tuần, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 940-950 điểm trong những phiên tiếp theo.  Tại đây, BVSC kỳ vọng thị trường sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.

Áp lực cung chốt lời nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu trong ngắn hạn. Do đó, theo BVSC, trong giai đoạn này, các nhà đầu tư tiếp tục xem xét giảm tỷ trọng danh mục về mức trung bình thấp 20-30% cổ phiếu.

Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu vượt quá mức cân bằng nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng. Các hoạt động giải ngân mới nên được hạn chế tối đa khi thị trường vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trong giai đoạn này.

Mai Chi