Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch REE Corp (Ảnh: Forbes Việt Nam).
Cổ phiếu REE cao nhất mọi thời đại
Ngưỡng 1.370 điểm vẫn là cản rất khó vượt qua của VN-Index, tương tự với vùng 1.500 điểm của VN30-Index. Chỉ số giằng co căng thẳng gần như suốt phiên giao dịch và rung lắc với biên độ rộng hơn ở phiên chiều.
Sau khi về sát 1.370 điểm thời điểm 14h, VN-Index lập tức quay đầu xuống sát 1.355 điểm trước khi đóng cửa ở 1.360,94 điểm, ghi nhận sụt giảm 2,15 điểm tương ứng 0,16%. VN30-Index cũng giảm 4,58 điểm tương ứng 0,31% còn 1.489,54 điểm.
Trong khi đó, tình hình sàn HNX khả quan hơn, chỉ số tăng 1,71 điểm tương ứng 0,5% lên 344,82 điểm còn UPCoM-Index cũng tăng 0,28 điểm tương ứng 0,3% lên 94,48 điểm.
Rổ VN30 phân hóa. Trong khi BVH tăng 2,1%, MWG tăng 1,5%; MSN tăng 1,5% thì PDR lại giảm 2,4%; SSI giảm 1,8%; VPB giảm 1,7%; VIC giảm 1%. Trong đó, MSN, VNM, MWG là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index, ngược lại, VIC và VHM ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số.
REE thuộc top cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số VN-Index.
Trong top cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index còn có REE. Mã này tăng trần lên 60.500 đồng, đóng góp 0,32 điểm cho VN-Index. Giá đóng cửa phiên hôm nay cũng là mức giá cao nhất lịch sử của cổ phiếu REE từ lúc niêm yết cho đến nay.
Thực tế, cổ phiếu REE thời gian qua dao động không lớn, song với phiên tăng trần hôm nay đã giúp mã này ghi nhận mức tăng 7,27% trong một tuần, tăng 16,57% trong vòng một tháng và tăng 23,6% so với thời điểm đầu năm.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của REE là nhà đầu tư ngoại Platinum Victory Pte. Ptd. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch công ty này sở hữu 12,2%, chồng bà Thanh là ông Nguyễn Ngọc Hải sở hữu 5,46%.
Hai con bà Thanh là Nguyễn Ngọc Thái Bình và Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh sở hữu lần lượt 1,95% và 1,32% vốn điều lệ REE Corp.
Tổng cộng, gia đình Chủ tịch REE sở hữu 20,89% vốn điều lệ công ty, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của REE Corp.
Lịch sử giá của cổ phiếu REE (đồ thị: Trading View).
Cổ phiếu chứng khoán tăng khỏe
Trở lại với thị trường hôm nay, cổ phiếu ngành chứng khoán cực khỏe. Bất chấp thị trường rung lắc, các mã thuộc ngành này vẫn tăng và khi thị trường giảm cuối phiên thì vẫn còn nhiều mã tăng trần và tăng giá mạnh.
Cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn tăng giá rất mạnh bất chấp thị trường điều chỉnh.
Cụ thể, PHS tăng trần lên 19.400 đồng, VIX tăng trần lên 26.300 đồng; APG tăng trần lên 14.050 đồng. Bên cạnh đó, ORS cũng tăng 7,1%; VDS tăng 4,1%; IVS tăng 4%; MBS tăng 3,4%; BSI tăng 2,2% và SBS tăng 2%... Các ông lớn trong ngành là HCM, VND, SHS, VCI tiếp tục tăng giá. SSI điều chỉnh giảm 1,8%.
Cổ phiếu ngân hàng ngược lại đỏ lửa. Mặc dù mức điều chỉnh không lớn tuy nhiên hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều giảm. PGB giảm 2,4%; NAB giảm 2,3%; BVB giảm 2,3%; MSB giảm 1,9%. BID, TCB, HDB, CTG đều giảm giá, VCB đứng tham chiếu.
Thiếu sự đồng thuận từ nhóm ngân hàng (vốn chiếm tỉ trọng lớn trong rổ VN30) cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường không thể bứt phá để tiến lên vùng 1.400 điểm.
Điểm tích cực là mặc dù chỉ số giảm nhưng số lượng mã tăng vẫn chiếm ưu thế trên quy mô thị trường; có 464 mã tăng giá, 54 mã tăng trần so với 396 mã giảm, 10 mã giảm sàn.
Thanh khoản thị trường duy trì mức cao với tổng giá trị giao dịch toàn phiên trên cả 3 sàn đạt 32.042,15 tỷ đồng. Trong đó, khớp lệnh trên HSX đạt 689,77 triệu cổ phiếu tương ứng 24.406,73 tỷ đồng; con số này trên HNX là 147,94 triệu cổ phiếu tương ứng 3.919,07 tỷ đồng và trên UPCoM là 69,27 triệu cổ phiếu tương ứng 1.434,03 tỷ đồng.
Phiên này ghi nhận tín hiệu tiêu cực từ khối nhà đầu tư ngoại khi nhóm này bán ròng tới 1.886 tỷ đồng trên toàn thị trường, mức bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.
Hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 301 tỷ đồng; cổ phiếu SSI với 268 tỷ đồng; cổ phiếu VNM với 163 tỷ đồng; cổ phiếu VIC với 118 tỷ đồng và cổ phiếu NVL với 88 tỷ đồng.
Mai Chi