Đại gia Lê Phước Vũ gây thất vọng
HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm sàn xuống 7.610 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 23/11 dù thanh khoản tốt. Tổng khớp lệnh tại mã này hôm qua lên tới 10,13 triệu cổ phiếu. Cuối phiên, các lệnh bán sàn đều được “quét” hết và vẫn còn dư mua sàn hơn 10 nghìn đơn vị song dư bán nhìn chung vẫn ở mức cao.
Tập đoàn của ông Lê Phước Vũ vừa trải qua một năm kinh doanh khó khăn. Cụ thể, trong quý IV niên độ tài chính 2018-2019, doanh thu thuần của Hoa Sen giảm 26% còn 6.350 tỷ đồng.
Cả niên độ tài chính 2018-2019, Hoa Sen có 28.035 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế hơn 361 tỷ đồng, lần lượt giảm 18,6% và 12% so với cùng kỳ dù trong kế hoạch, tập đoàn này đã đặt mục tiêu doanh thu giảm 9%.
“Vua thép” Trần Đình Long “mát tay” nuôi lợn
Hiện tại, cổ phiếu HPG đang trong vùng giá thấp, điều này khá dễ hiểu trong bối cảnh ngành thép đang gặp khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp trên thị trường đều sụt giảm kết quả kinh doanh, thậm chí có đơn vị thua lỗ.
Trong quý III vừa rồi, tập đoàn của ông Trần Đình Long đạt 15.087 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 25% xuống 1.794 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điểm sáng là lĩnh vực nông nghiệp của tập đoàn này lại khởi sắc với doanh thu từ cung cấp bò Úc, trứng gà sạch, thịt lợn an toàn sinh học lên tới 1.840 tỷ đồng, vươn lên top dẫn đầu cả nước.
Tuyên bố gây "sốc" của đại gia Trịnh Văn Quyết
Cổ phiếu FLC sáng 19/11 ngay từ đầu phiên giao dịch đã tăng trần lên 4.310 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, mã này không hề có dư bán và dư mua giá trần tới 9,46 triệu cổ phiếu, khớp lệnh đạt 2,37 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu FLC diễn biến tích cực sau các thông tin FHH dự kiến chào sàn mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu, Tập đoàn FLC và các cá nhân đang cam kết sở hữu 90% FHH, chỉ 10% cho cán bộ nhân viên. Đáng chú ý là ông Quyết cũng cho biết trong năm 2020, cá nhân ông sẽ bỏ ra 1.500 - 2.000 tỷ đồng để tăng sở hữu cổ phiếu FLC.
Còn về Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định, hãng sẽ chào sàn trong năm 2020 và không có ý định bán cổ phiếu BAV ra bên ngoài, cho cả đối tác trong nước và đối tác nước ngoài vào thời điểm này.
Ông Quyết cũng khiến nhà đầu tư bất ngờ khi tuyên bố: “Khi nào bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì ít nhất 150.000 đồng/cổ phiếu chúng tôi mới bán, còn nếu bây giờ mới bán thì chỉ làm chậm tiến trình chuẩn hóa cũng như phát triển của Bamboo Airways mà thôi.
Shark Liên rời ghế tổng giám đốc
Công ty CP Nước mặt sông Đuống vừa có thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên) – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nước mặt sông Đuống không còn đảm nhận chức Tổng giám đốc/Người đại diện pháp luật của công ty này.
Bà Đỗ Thị Kim Liên không còn là người đại diện pháp luật của Công ty CP Nước mặt sông Đuống.
Người thay Shark Liên đảm nhiệm làm vị trí Tổng giám đốc/Người đại diện pháp luật của Công ty CP Nước mặt sông Đuống là ông Tạ Đức Hoàng.
Ông Huy Nhật và nhóm nhà đầu tư ngoại đang “diễn kịch”?
Đại diện nhóm nhà đầu tư cũng cho biết, câu chuyện mà ông Huy Nhật chia sẻ với giới báo chí cho rằng ông bị nhóm các nhà đầu tư “đá" ra khỏi công ty là không chính xác.
Ông Huy Nhật không ra mặt đang khiến nhà cung cấp như "ngồi trên đống lửa".
Theo đó, việc đóng cửa hàng loạt các cửa hàng khi không có sự chấp thuận cần thiết của các nhà đầu tư, nhóm các nhà đầu tư buộc phải nỗ lực giành lại quyền kiểm soát đối với các Công ty Món Huế và Huy Việt Nam theo quy định của pháp luật và các văn bản điều hành nội bộ của công ty.
“Tuy nhiên, cho đến nay, ông Huy Nhật vẫn đang giữ toàn bộ quyền kiểm soát đối với các hoạt động vận hành của công ty vì ông này vẫn đang chiếm giữ bất hợp pháp con dấu và các tài khoản ngân hàng của công ty. Không có con dấu của công ty, nhóm các nhà đầu tư không thể làm việc với các ngân hàng để có được quyền kiểm soát các tài khoản ngân hàng của công ty”, đại diện nhóm nhà đầu tư ngoại cho hay.
Thế Hưng