Fica
  1. Chứng Khoán

Nỗi niềm đầu tư chứng khoán: Quá nhiều tiền cũng khổ…

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Ngay cả khi nhà điều hành tăng yêu cầu với lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu, tình trạng hệ thống bị "đơ" vẫn tái diễn trên sàn HSX khi "cơn lũ tiền mặt" dội xuống.

Nỗi niềm đầu tư chứng khoán: Quá nhiều tiền cũng khổ… - 1

Tiền vẫn đổ mạnh vào chứng khoán

Đà tăng của VN-Index vẫn tiếp tục được mở rộng trong phiên giao dịch chiều qua, 5/1. Chỉ số đóng cửa tại 1132,55 điểm, ấn định tăng 12,08 điểm tương ứng 1,08%.

Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng 1,85 điểm tương ứng 0,9% lên 208,13 điểm. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm tương ứng 0,31% lên 74,43 điểm.

Phiên này, thị trường chứng khoán thiết lập nên một kỷ lục mới về giao dịch. Thanh khoản trên HSX đạt 16.216,02 tỷ đồng với khối lượng 763,42 triệu cổ phiếu giao dịch.

HNX có 123,47 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng với 6.524,82 tỷ đồng và UPCoM có 43,51 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 641,1 tỷ đồng.

Tổng cộng, giá trị giao dịch trên toàn thị trường trong phiên 5/1 đạt mức 18.587,62 tỷ đồng.

Nỗi niềm đầu tư chứng khoán: Quá nhiều tiền cũng khổ… - 2

Top cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường

Tuy nhiên, không rõ do chính bởi lượng tiền đổ vào thị trường quá nhiều và nhịp độ giao dịch quá sôi động hay không mà tình trạng "kẹt lệnh", hệ thống "đơ" vẫn tái diễn.

Cụ thể, khoảng sau 2 giờ chiều, nhiều nhà đầu tư "bó tay" không thể nào thực hiện lệnh mua bán. Tình trạng này khiến cả nhà đầu tư bán lẫn mua đều thiệt hại, nhưng "cay đắng" nhất chắc chắn là những ai đang vay margin.

Một số nhà đầu tư canh giá cao để bán chốt lời cổ phiếu, tuy nhiên, việc hệ thống bị "đơ" khiến họ mất cơ hội chốt lời, và sau đó, giá cổ phiếu lùi về vùng thấp hơn đồng nghĩa với nhà đầu tư mất lãi.

Tương tự, nhà đầu tư canh mua giá thấp để xuống tiền cũng thất bại khi lệnh mua không đẩy lên được hệ thống. Do vậy, khi giá cổ phiếu trở nên đắt hơn vào phiên sau thì nhà đầu tư cũng lỡ cơ hội mua vào.

Tình trạng lỗi hệ thống diễn ra ở sàn HSX sau khi hoạt động tăng lô giao dịch tối thiểu đã được nâng từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu cho thấy, nguyên nhân chưa hẳn là do "quá tải" các lệnh mua bán cổ phiếu.

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM vẫn chưa có thông báo chính thức nào về sự cố nói trên cũng như chưa có giải thích thấu đáo để ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Dẫu vậy, hôm qua vẫn chứng kiến bão giao dịch đã nổi lên tại hàng loạt cổ phiếu, chủ yếu là các mã ngân hàng. MBB khớp hơn 34 triệu đơn vị, ITA khớp 30,5 triệu đơn vị; TDH khớp 24,35 triệu đơn vị; LPB khớp 24,4 triệu đơn vị; STB khớp 23,3 triệu; SHB khớp 22 triệu. Các mã này đều tăng giá.

Do áp lực chốt lời từ một bộ phận nhà đầu tư nên trên thị trường vẫn có 342 mã chịu áp lực giảm giá, có 18 mã giảm sàn. Tuy vậy, sắc xanh vẫn là chủ đạo trong bức tranh thị trường chung với 531 mã và có 83 mã tăng trần.

Có thể nói, đây là phiên ăn mừng của nhà đầu tư với cổ phiếu ngân hàng trước mùa kết quả kinh doanh năm 2020. Nhiều mã trong rổ này tăng giá mạnh, trong đó VIB tăng kịch trần lên 35.300 đồng, trắng bên bán và vẫn còn dư mua trần.

LPB cũng tăng kịch trần lên 13.500 đồng, khớp lệnh 24,35 triệu cổ phiếu và cũng không hề còn dư bán, dư mua giá trần gần 1,2 triệu đơn vị.

Ngoài ra, SHB cũng tăng mạnh 2,9% lên 17.700 đồng; HDB tăng 2,7% lên 24.750 đồng; ACB tăng 2,4% lên 29.750 đồng; VPB tăng 0,4%; VCB tăng 0,3%; TCB tăng 0,2%. BID và BVB điều chỉnh giảm nhẹ.

Theo đánh giá của chuyên gia chứng khoán MBS, thị trường đang rất khỏe bất chấp đêm trước đó thị trường Mỹ sụt giảm mạnh, dòng tiền ngày càng mạnh và chỉ số vượt các mức cản khá dễ dàng, bên cạnh đó khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng, củng cố thêm sức mạnh cho đà tăng hướng đến đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Nhìn chung, thị trường đang rất thuận lợi để đi lên các ngưỡng cao hơn, ngoại trừ hệ thống giao dịch vẫn chưa được như kỳ vọng của nhà đầu tư sau khi đã nâng lô tối thiếu lên 100 cổ phiếu/lệnh.

Mai Chi