Cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tạo ra cả rủi ro và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam.
Chính quyền ông Donald Trump vừa thông báo sẽ áp thuế 10% lên các mặt hàng Trung Quốc với quy mô ảnh hưởng có thể tới 200 tỷ USD và tăng lên 25% đầu năm sau. Trung Quốc ngay sau đó cũng đã có hành động đáp trả lại Mỹ khi tuyên bố sẽ đánh thuế trên quy mô 60 tỷ USD.
Những động thái trên cho thấy sự căng thẳng ngày càng leo thang trong cuộc chiến thương mại nay. Bên cạnh những thách thức đặt ra đối với các nước chịu tác động từ cuộc chiến, trong đó có Việt Nam, nhiều công ty chứng khoán lại tỏ ra khá lạc quan với nhiều nhận định về cơ hội.
Trong báo cáo vừa công bố, HSC cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tạo ra cả rủi ro và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam cũng như cho thị trường chứng khoán.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu của công ty chứng khoán này tin tưởng rằng môi trường vĩ mô sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ tranh chấp thương mại kéo dài.
Đồng thời nhóm nghiên cứu tin rằng một số ngành và cổ phiếu có thể còn hưởng lợi trong trung dài hạn chủ yếu do các nhà sản xuất Bắc Á buộc phải xem xét lại chiến lược tại Trung Quốc và có lẽ phải chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Trong khi đó những doanh nghiệp hiện hữu sẽ có thêm cơ hội kinh doanh, đặc biệt là từ Mỹ.
HSC cũng cho biết, vài tháng trước, nhiều nhà đầu tư cho rằng một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động xấu tới Việt Nam và tác động này phải được phản ánh vào tỷ giá và thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên đã có một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng một số nhà sản xuất Bắc Á đang tích cực xem xét việc chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Trong khi đó các nhà sản xuất đang ở Việt Nam (cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội) trong những lĩnh vực như dệt may, nội thất, sản xuất đèn chiếu sáng và công nghệ đang cho thấy doanh thu từ các thị trường chủ chốt tăng lên trong bối cảnh có thông tin là doanh nghiệp mua hàng từ Mỹ tại các thị trường này đang giảm bớt một phần đơn đặt hàng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo đó, HSC đánh giá một số ngành và cổ phiếu nhiều khả năng được hưởng lợi từ tranh chấp thương mại Trung – Mỹ hiện tại.
Thứ nhất là các doanh nghiệp vận hành cảng biển sẽ hưởng lợi từ dòng chảy thương mại gia tăng. Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giúp đẩy mạnh dòng vốn FDI vào Việt Nam do các nhà sản xuất ở Bắc Á cũng như ở các khu vực khác sẽ tìm cách giảm lượng hàng hóa sang Trung Quốc. Do đó, khối lượng hàng hóa vào cảng biển Việt Nam có thể sẽ tăng lên.
Thứ hai là các công ty dịch vụ hàng hóa hàng không cũng được hưởng lợi nhờ dòng chảy thương mại gia tăng. Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các sản phẩm công nghệ với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nước này.
Điều này theo nhóm nghiên cứu của HSC sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam để gia tăng sản xuất và lắp ráp cuối cùng các sản phẩm công nghệ. Và với thực tế là các thành phần cho sản xuất và lắp ráp công nghệ chủ yếu được vận chuyển bằng hàng không, đây sẽ cơ hội tốt cho các công ty dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không.
Tiếp đến là các khu công nghiệp sẽ được lợi trong trung đến dài hạn khi ngày càng nhiều các công ty di dời đến Việt Nam. Các khu công nghiệp tại Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi trước hết từ sự gia tăng của dòng vốn FDI. Tổng vốn FDI từ đầu năm đến ngày 20/8 đã tăng 9,2% so với cùng kỳ đạt 11,25 tỷ USD.
Ngành may mặc sẽ giành thêm các đơn hàng nước ngoài khi bất lợi về thuế sẽ làm suy giảm tính cạnh tranh của Trung Quốc. Do hàng may mặc Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ chịu với mức thuế bình quân là khoảng 10%, ngành may mặc của Việt Nam có thể hưởng lợi và gia tăng thêm thị phần trên thị trường Mỹ, hiện là thị trường lớn nhất.
Cùng với đó, các công ty trong ngành thủy sản cũng có thể được hưởng lợi khi các công ty Trung Quốc bị loại khỏi thị trường Mỹ. Có vẻ như cũng có những cơ hội mở ra cho xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Mỹ do ngành thủy sản Trung Quốc phải đối mặt với áp lực thuế quan.
Đánh giá về cuộc chiến tranh thương mại này, HSC cho rằng, ảnh hưởng của một cuộc chiến tranh thương mại đối với Việt Nam hiện là trung tính và thậm chí còn tích cực một chút.
Tuy nhiên theo HSC sẽ mất vài quý để điều này thể hiện ra con số. Một mặt, xuất khẩu hàng hóa cơ bản và các sản phẩm khác từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ kém đi. Nhưng mặt khác sản phẩm trung gian của doanh nghiệp đã có cơ sở tại Việt Nam và Trung Quốc và doanh nghiệp mới muốn giảm rủi ro từ Trung Quốc sẽ từ Trung Quốc sẽ ngày càng chuyển nhiều sang Việt Nam để sản xuất thành phẩm.
Bàn về cuộc chiến này, chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này, qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fullbright) cho rằng, so với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam cũng xuất sang Mỹ có giá trị 13 tỷ USD, trong đó lớn nhất là đồ gỗ nội thất 4,8 tỷ USD và nông thủy sản, 2,5 tỷ USD.
Như vậy trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nội thất, thủy sản, vali – túi xách sang Mỹ sẽ hưởng lợi; trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng nội thất, thực phẩm, hóa chất, nhựa, cao su cho thị trường nội địa sẽ phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập vào...
Nguyễn Khánh