Fica
  1. Chứng Khoán

Nhà sáng lập Đặng Văn Thành liệu có trở lại Sacombank sau 7 năm vắng bóng?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Điều bất ngờ đã diễn ra tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm thành lập của Sacombank là sự xuất hiện sau 7 năm vắng bóng của ông Đặng Văn Thành, tên tuổi lớn gắn với quá trình hình thành và phát triển của ngân hàng này.

Diễn biến bất ngờ tại Sacombank

Nhà sáng lập Đặng Văn Thành liệu có trở lại Sacombank sau 7 năm vắng bóng? - 1

Ông Đặng Văn Thành - nhà sáng lập của Sacombank

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng mở đầu tuần mới với diễn biến khá tích cực. Trong đó, STB của Sacombank đạt tăng 2,5% lên 10.250 đồng/cổ phiếu. Nhìn chung, sau thời gian diễn biến kém tích cực, STB đang có dấu hiệu hồi phục.

Một thông tin đang khiến nhiều cổ đông Sacombank và nhà đầu tư quan tâm là khả năng trở lại của nhà sáng lập Đặng Văn Thành. Điều bất ngờ đã diễn ra tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm thành lập của ngân hàng này là sự xuất hiện sau 7 năm vắng bóng của ông Đặng Văn Thành, tên tuổi lớn gắn với quá trình hình thành và phát triển của Sacombank.

Theo tường thuật của báo chí về buổi lễ này, trong bài phát biểu của mình, ông Thành có chia sẻ rằng, Sacombank đã từng có giai đoạn bị chững lại do “sự thôn tính không chuyên nghiệp”nhưng sau đó đã vượt qua được những khó khăn nội tại để dần phục hồi và phát triển chỉ sau chưa đầy 3 năm tái cơ cấu.

Nếu như ông Thành thay mặt nhóm cổ đông sáng lập cảm ơn ông Dương Công Minh - Chủ tịch đương nhiệm của Sacombank đã đứng ra nhận trọng trách tái cơ cấu ngân hàng trong bối cảnh không mấy thuận lợi, thì ông Minh cũng đáp lời: “Tôi vào điều hành Sacombank nhưng thương hiệu Sacombank vẫn luôn gắn chặt với tên tuổi ông Đặng Văn Thành và vẫn là Thành Sacombank, còn tôi chỉ là Minh Him Lam”.

Ông Minh bày tỏ mong muốn gia đình ông Đặng Văn Thành (ông Thành, bà Huỳnh Bích Ngọc và ông Đặng Hồng Anh) sẽ tiếp tục “sát cánh”, tạo điều kiện tư vấn để giữ “thương hiệu Thành Sacombank”.

Bản thân ông Đặng Văn Thành cho biết, ông “sẵn sàng tham gia thị trường ngân hàng” nhưng “khi thấy thích hợp”.

Sau những trao đổi nói trên tại buổi lễ kỷ niệm nói trên, đang có những đồn đoán trên thị trường về sự trở lại của ông Đặng Văn Thành; nhà đầu tư và cổ đông Sacombank cũng đang chờ đợi khả năng trên xảy ra, dù không chắc ông Thành sẽ trở lại với Sacombank hay với một ngân hàng khác.

Cổ phiếu BID vượt đỉnh lịch sử

Mặc dù xác định khác rõ trạng thái tăng giá, tuy nhiên, các chỉ số vẫn giằng co khá mạnh trong phiên giao dịch sáng nay (23/12). VN-Index tạm đóng cửa với mức tăng đáng khích lệ 4,24 điểm tương ứng 0,44% lên 960,65 điểm; HNX-Index tăng 0,18 điểm tương ứng 0,18% lên 102,6 điểm và UPCoM-Index về ngưỡng tham chiếu 55,68 điểm.

Thanh khoản ở mức trung bình với khối lượng giao dịch toàn sàn HSX đạt 113,24 triệu cổ phiếu tương ứng 1.875,81 tỷ đồng. Trên sàn HNX, con số này là 19,57 triệu cổ phiếu tương ứng 136,97 tỷ đồng và trên UPCoM là 3,45 triệu cổ phiếu tương ứng 45,98 tỷ đồng.

Toàn thị trường vẫn còn tới hơn 1.000 mã không diễn ra giao dịch nào. Trong khi đó, độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã tăng giá, khoảng cách chênh lệch số lượng mã tăng - giảm không đáng kể. Có tổng cộng 266 mã tăng, 34 mã tăng trần so với 242 mã giảm và 12 mã giảm sàn.

Nhà sáng lập Đặng Văn Thành liệu có trở lại Sacombank sau 7 năm vắng bóng? - 2

Cổ phiếu BID đang xác lập đỉnh lịch sử

Chỉ số chính được hỗ trợ đáng kể bởi cặp VCB, BID. VCB tăng 1.900 đồng lên 90.200 đồng và BID tăng 1.850 đồng lên 44.600 đồng. Hai ông lớn này đóng góp lần lượt cho VN-Index 2,05 điểm và 2,16 điểm.

Đáng chú ý, cổ phiếu BID của BIDV đã chính thức đạt được đỉnh lịch sử của mã này kể từ khi niêm yết cho tới nay, và biên độ tăng của BID vẫn đang cho thấy có dấu hiệu tiếp tục được nới rộng.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng khác như TCB, CTG cũng đóng góp 0,46 điểm và 0,43 điểm cho VN-Index. HPG, HVN, SAB, VJC cũng tăng giá và mang lại ảnh hưởng tích cực.

Tuy vậy, đà tăng của VN-Index phần nào bị thách thức bởi tình trạng giảm giá diễn ra tại một số mã lớn như MSN giảm 2.500 đồng xuống 52.500 đồng/cổ phiếu, tác động đến VN-Index 0,85 điểm. VIC giảm 800 đồng, PLX giảm 700 đồng. VNM, VHM, ROS cũng giảm.

Theo nhận xét của Công ty chứng khoán SHS, tuần giao dịch vừa qua với hai sự kiện chứng khoán trong nước khá quan trọng là việc đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 và ngày cuối cùng tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF VNM và FTSE đã diễn ra tương đối êm đềm.

Thông tin Moody’s hạ bậc tín nhiệm đối với Việt Nam là một thông tin tiêu cực và điều đó phần nào đã làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước khiến thị trường phải kiểm định đáy ngắn hạn quanh 950 điểm trong hai phiên liên tiếp.

Rất may là khoảng tích lũy ngắn hạn trong hai tuần trước đó trong khoảng 950-970 điểm vẫn được giữ vững nên xu hướng thị trường tạm thời vẫn chưa bị xấu đi.

Công ty này đưa ra dự báo, trong tuần giao dịch này (23/12-27/12), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 950-970 điểm như diễn biến của hai tuần trước đó.

Theo đó, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và có thể giải ngân thêm nếu như thị trường có những nhịp kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 940 điểm (đáy tháng 6/2019).

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể áp dụng chiến lược mua thấp bán cao trong giai đoạn này với ngưỡng hỗ trợ và kháng cự gần nhất quanh 950 điểm và 970 điểm.

Mai Chi