Sự trỗi dậy trở lại của ACB trong những năm gần đây gắn với gia đình Chủ tịch Trần Hùng Huy
Dù có nhiều hoài nghi, song thị trường chứng khoán vẫn đạt được trạng thái tăng đáng khích lệ trong phiên giao dịch ngày 12/2, thanh khoản khả quan.
Cụ thể, VN-Index tăng 3,01 điểm tương ứng 0,32% lên 937,68 điểm; HNX-Index tăng 3,74 điểm tương ứng 3,57% lên 108,51 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,25 điểm tương ứng 0,44% lên 55,91 điểm.
Khối lượng giao dịch trên HSX tăng lên con số 228,03 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 4.232,71 tỷ đồng. HNX có 41,42 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 552,81 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM có 8,33 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 127,8 tỷ đồng.
Thị trường được bao phủ bởi sắc xanh tăng giá. Cụ thể, có 418 mã tăng, 56 mã tăng trần, gấp đôi số mã giảm (209 mã giảm, 24 mã giảm sàn).
Phiên này, cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục đóng vai trò “nhạc trưởng”. TCB, VPB, MBB, VCB là những mã thuộc nhóm có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index, bên cạnh đó còn có POW, MWG, VHM, HVN, GAS… Riêng POW tăng trần lên 10.550 đồng và mang về cho VN-Index 0,47 điểm.
Chiều ngược lại, VIC giảm giá đã gây áp lực lớn lên chỉ số chính, tác động lên VN-Index tới 1,37 điểm, tuy nhiên, nhờ sự đồng thuận cao của thị trường nên chỉ số vẫn giữ được trạng thái tăng. Ngoài ra, CTG, SAB, VRE cũng là những mã có ảnh hưởng tiêu cực, với mức tác động lần lượt là 0,59 điểm; 0,56 điểm và 0,1 điểm.
Đã rất lâu sàn HNX mới có một phiên bùng nổ như hôm qua. Tuy nhiên, trong mức tăng chung 3,74 điểm của chỉ số thì ACB đã đóng góp tới 3,1 điểm. Thêm vào đó, SHB cũng đóng góp 0,15 điểm cho chỉ số.
Có thể nói, ACB là mã ngân hàng có diễn biến tăng “khoẻ” nhất trong ngày hôm qua, tăng 1.900 đồng tương ứng 8,02% lên 25.600 đồng. Khối lượng giao dịch cũng đột biến lên hơn 11 triệu cổ phiếu, kỷ lục về thanh khoản của mã này trong 1 năm qua.
Vẫn chưa rõ động lực nào khiến ACB có một phiên biến động mạnh cả về giá và lượng như ngày hôm qua.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, trong phiên hôm nay (13/2), VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực bán chốt lời khi thử thách vùng kháng cự 940-943 điểm. Nếu tiếp tục vượt qua vùng cản này, chỉ số sẽ mở rộng đà hồi phục với đích đến kế tiếp nằm tại vùng 960-965 điểm trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, nhóm phân tích cũng lưu ý, diễn biến dịch viêm phổi nCoV vẫn còn khá phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát nên rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường là điều vẫn cần phải tính đến.
Trên cơ sở đó, BVSC vẫn đang thiên về khả năng thị trường sẽ tiếp tục cần thêm thời gian dao động tích lũy trong vùng được giới hạn bởi vùng hỗ trợ 920-922 điểm và vùng kháng cự 937-943 điểm.
Hôm nay, bên cạnh tin vui về kết quả bỏ phiếu thông qua hiệp định EVFTA của Nghị viện Châu Âu, thị trường còn đón kết quả thay đổi cổ phiếu thành phần các bộ chỉ số của MSCI tại thị trường cận biên.
Nhà đầu tư được khuyên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 20-25% cổ phiếu và xem xét bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 942-943 điểm.
Nếu thị trường bứt phá thành công qua vùng kháng cự 942-943 điểm, nhà đầu tư có thể thực hiện mở các vị thế mua trading trong các nhịp điều chỉnh sau đó của thị trường; tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ thông tin và một số cổ phiếu bluechips cơ bản tốt nhưng giá đang giảm về các vùng hỗ trợ ngắn hạn.
Mai Chi