Fica
  1. Chứng Khoán

Nghẽn, lỗi mạng trên HSX gây cảm giác "như bị bàn tay vô hình chi phối"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Về ngắn hạn, hệ thống công nghệ thông tin được cho là rủi ro với thị trường, hiện tượng nghẽn mạng khiến người tham gia cảm thấy giống như bị bàn tay vô hình chi phối - theo chuyên gia.

Minh bạch chưa cao, còn nhiều "đội lái"

Theo một nghiên cứu kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp của Vietnam Report vừa công bố, hệ thống công nghệ thông tin cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Theo đó, công nghệ là điều đáng bàn vì thời gian qua việc nghẽn lệnh, lỗi mạng liên tục xảy ra, đặc biệt là sàn giao dịch HSX vào quý I. Sang quý II, tình hình tưởng chừng cải thiện hơn nhưng vừa qua lại bắt đầu thấy hiện tượng nghẽn mạng quay trở lại khi thanh khoản thị trường vượt hơn 22.000 tỷ đồng.

"Đây là một yếu tố rủi ro thị trường, khiến người tham gia cảm thấy giống như bị bàn tay vô hình chi phối" - Vietnam Report đánh giá.

Nghẽn, lỗi mạng trên HSX gây cảm giác như bị bàn tay vô hình chi phối - 1

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM - HSX (Ảnh: Báo Nhân dân).

Thứ nhất, khi nghẽn mạng xảy ra sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại, bởi lẽ, với một thị trường rủi ro như vậy, mua được nhưng không bán được vì lỗi hệ thống. Việc lỗi hệ thống này cũng khiến cho VN-Index khó tăng điểm do liên quan đến thanh khoản.

Chỉ số VN-Index muốn vượt 1.200 điểm thì thanh khoản thị trường phải đạt 16.000 - 17.000 tỷ đồng, muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải có hơn 24.000 tỷ đồng, nhưng vì yếu tố hệ thống cứ hơn 22.000 tỷ đồng lại bị nghẽn lệnh.

Khi thị trường muốn vượt lên mức 1.400 - 1.500 điểm, lúc đó vốn hóa thị trường của doanh nghiệp nở to ra, đồng nghĩa với đó là thanh khoản mỗi phiên phải nở ra.

Nếu hệ thống không đáp ứng được, không tải được thanh khoản như thế thì thị trường giống như một kháng cự tâm lý, cứ đến 24.000 tỷ đồng là bị nghẽn, không thể nào cao hơn mức đó được thì các nhà đầu tư không thể mua, chỉ đợi bán ra và mức thấp hơn để mua lên.

"Kháng cự này không chỉ là kháng cự tâm lý mà còn là kháng cự mang tính hệ thống. Cho nên, về ngắn hạn, hệ thống công nghệ thông tin là rủi ro với thị trường", Vietnam Report nhận định.

Một hạn chế nữa của chứng khoán Việt Nam là quy mô thị trường còn quá nhỏ do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước còn quá chậm, rất nhiều phần vốn hóa thị trường do Nhà nước sở hữu nên phần có thể thật sự mua bán được từ bên ngoài không nhiều, mặt khác lại bị hạn chế bởi room nước ngoài. Hiện nay có khoảng 9/30 mã chứng khoán lớn nhất đã hết room.

Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu đi nhiều sản phẩm cho nhà đầu tư như bán khống, T0, quyền chọn, hiện nay mới có sản phẩm như phái sinh, chứng quyền… Điều này được cho là đang gây cản trở khiến TTCK Việt Nam khó thăng hạng và khơi thông dòng vốn ngoại.

Báo cáo cũng chỉ ra, việc minh bạch thông tin trên TTCK Việt Nam chưa cao, còn nhiều "đội lái" khiến giá cổ phiếu chưa phản ảnh đúng thực tế của doanh nghiệp, gây ra hiện tượng nhiễu loạn, cả về thông tin như lãnh đạo công bố mua cổ phiếu lại mang bán, lũng loạn về giá cổ phiếu.

"Để thị trường phát triển bền vững, chúng ta không thể mãi trong "ao làng", dùng tiền của người Việt để đẩy thị trường", phía Vietnam Report nhìn nhận. Theo đó, TTCK Việt Nam phải nâng hạng khi đó mới hút được dòng vốn ngoại. Năm nay, thị trường có dòng vốn nội, nhưng nguồn vốn từ F0 là dòng tiền ngắn hạn, có khi chỉ vài quý, khi nào hết dịch, kinh doanh ổn định trở lại, lãi suất nhúc nhích tăng thì dòng vốn lại chảy ra, không thể ở lại thị trường dài hạn.

Khi đại dịch được ngăn chặn, Ngân hàng Trung ương các nước sẽ rút dần tiền về sớm hơn dự kiến (không bơm thêm tiền ra lưu thông), làm cung tiền giảm khiến người dân có ít tiền đầu tư chứng khoán hơn. Theo quy luật cung cầu thì khi cầu nhiều hơn cung thì giá sẽ tăng và ngược lại.

Đi cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch là triển vọng phục hồi kinh tế còn nhiều rủi ro, và chỉ khi vắc xin Covid-19 được phân phối rộng rãi thì cuộc sống mới trở lại bình thường. Thêm vào đó, nền kinh tế cũng tiềm ẩn nguy cơ lạm phát gia tăng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất, điều này đồng nghĩa với dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán sẽ ít đi.

Nghẽn, lỗi mạng trên HSX gây cảm giác như bị bàn tay vô hình chi phối - 2

Lượng tiền khổng lồ của nhà đầu tư F0 đã hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian qua (Ảnh: Đỗ Linh).

Điều gì đang hỗ trợ thị trường?

Tuy nhiên, tại thời điểm này, triển vọng TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan do có nhiều yếu tố thúc đẩy. Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, trong ngắn hạn không gì tốt hơn các nhà đầu tư F0 nhảy vào TTCK hiện nay.

Tại Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng hơn 90% giao dịch hàng ngày và đang ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn khi nhà đầu tư nước ngoài giảm lượng cổ phiếu nắm giữ.

Thêm vào đó, họ có ngày càng nhiều kiến thức và kỹ năng trong giao dịch và đầu tư. Do vậy, Bloomberg cũng đưa ra nhận định nhà đầu tư F0 là động lực đưa TTCK Việt Nam tăng trưởng tốt nhất châu Á và sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Việc nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường hiện nay là kết quả của việc lãi suất duy trì ở mức thấp liên tục nhiều tháng, nhiều quý, cùng với đó là diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam khiến việc đầu tư vào các kênh khác không hấp dẫn, ngay cả kinh doanh bất động sản.

Để mua bất động sản, nhà đầu tư cần thăm đất đai, nhà cửa, nhưng khi dịch bùng phát như từ tháng 5 đến nay khiến cho việc di chuyển khó khăn, mọi người hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Trái phiếu doanh nghiệp cũng hơi khó tiếp cận với nhà đầu tư cá nhân. Do đó, dòng tiền có thể chảy vào một kênh đơn giản và dễ dàng nhất đó là chứng khoán.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) và các app đầu tư chứng khoán trên các thiết bị di động thông minh cũng là chất xúc tác cho các nhà đầu tư F0 gia nhập mạnh mẽ vào thị trường.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi ở mức từ 6,5 - 6,8% trong năm 2021 và có thể tăng lên 7% trong năm 2022 bởi nhiều yếu tố như Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, triển vọng xuất khẩu gia tăng khi vắc xin được phân phối rộng rãi.

Theo đó, nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán nhận định các doanh nghiệp niêm yết phục hồi tăng trưởng lợi nhuận và có thể đạt trên 20% so với năm 2020. Điều này tạo thêm động lực và niềm tin cho nhà đầu tư tiếp tục đổ dòng tiền vào TTCK.

Cũng theo nhận xét của Vietnam Report, nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng tốt nhất trên thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, đây còn là nhóm mà các nhà đầu tư F0 cực kỳ ưa thích. Chỉ có nhóm ngân hàng có thể hấp thụ được hết lượng tiền của F0 trong năm 2021. Vì thế, làn sóng lên sàn, chuyển sàn của các ngân hàng cũng là một trong những yếu tố kích thích TTCK.

Ngân hàng cũng là nhóm có sự biến động về giá cổ phiếu rất mạnh, nhiều ngân hàng tăng khoảng 2 lần chỉ thời gian ngắn trong năm 2021. Để cho nhóm ngân hàng niêm yết chuyển sàn nhiều hơn từ sàn UPCoM sang HNX và HSX thì yếu tố liên quan đến minh bạch thông tin, điều kiện kinh doanh đều cần phải cải thiện.

Chứng khoán luôn đi kèm với câu chuyện, sự kiện, khi nhóm ngân hàng đã hoạt động tốt lại có thêm việc chuyển sàn, khi đó sẽ kích thích lực cầu của nhà đầu tư rất mạnh. 

Mai Chi

Tin liên quan