Chứng khoán đã qua thời kỳ "hễ mua là thắng" (Ảnh minh họa: IT).
Nhiều cổ phiếu miệt mài "tạo đáy" trên vùng đỉnh của thị trường
Như tin đã đưa, ở phiên giao dịch ngày 28/6, thị trường chứng khoán Việt một lần nữa ghi nhận dấu mốc mới của VN-Index khi chỉ số này chính thức vượt 1.400 điểm, đóng cửa tại 1.405,81 điểm, ấn định mức tăng 15,69 điểm tương ứng 1,13%.
HNX-Index tăng 4,87 điểm tương ứng 1,53% lên 323,1 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,32 điểm tương ứng 0,36% lên 89,8 điểm.
Theo thống kê, độ rộng thị trường hôm qua nghiêng về phía các mã tăng với 517 mã tăng, 56 mã tăng trần. Tuy vậy, ở chiều ngược lại vẫn có 392 mã giảm, 13 mã giảm sàn.
Trong đó, riêng tại rổ VN30, mặc dù chỉ số này tăng mạnh 21,11 điểm, tương ứng 1,41%, lên 1521,41 điểm nhưng vẫn có 6 mã trong rổ này giảm giá: GAS giảm 3,1%; VIC giảm 0,7%; VNM giảm 0,6%; PDR giảm 0,4%; VPB giảm 0,3% và VJC giảm 0,3%.
Giữa lúc có nhiều cổ phiếu tăng trần thì LGL, PTC lại giảm sàn trên HSX; PEN, DL1, SIC, PCG, VE8, MHL giảm sàn trên HNX và PMW, BVL, HBD, TNW, XLV giảm sàn trên UPCoM.
Trong số này, cổ phiếu DL1 của Công ty cổ phần Tập đoàn năng lượng tái tạo Việt Nam với mức giá 9.100 đồng/cổ phiếu đang lập đáy, thấp nhất trong nhiều năm qua. Mới hồi đầu năm nay (tháng 1), DL1 vẫn đang duy trì mức giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu DVG của Công ty cổ phần Tập đoàn Sơn Đại Việt với thị giá 12.200 đồng/cổ phiếu cũng đang ở vùng đáy của năm. Thị giá giao dịch của mã này sau khi đánh mất 0,81% ở phiên hôm qua và đã giảm gần 18% chỉ trong một tuần, giảm gần 28% trong một tháng và đã "bốc hơi" phân nửa thị giá trong vòng nửa năm qua.
HSV của Công ty cổ phần Gang thép Hà Nội cũng giao dịch ở vùng đáy dù rằng mã này thuộc nhóm ngành thép, một trong những ngành nghề có cổ phiếu tăng mạnh nhất thời gian qua. Với mức giảm 8,02%, HSV hiện lùi về 19.500 đồng/cổ phiếu và mức giá này chỉ còn bằng phân nửa so với đỉnh thiết lập hồi tháng 5 là 38.600 đồng/cổ phiếu.
YEG của Tập đoàn Yeah1 với mức thị giá 20.850 đồng/cổ phiếu, có cải thiện phần nào so với đáy 20.100 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng này nhưng vẫn trong đà "trượt dài" so với đỉnh 52 tuần là 59.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/7/2020.
HNG của Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai có thời điểm lùi về mức đáy 10.300 đồng/cổ phiếu vào ngày 11/6. Tuy đã thoát đáy nhưng phiên hôm qua, HNG vẫn điều chỉnh 1,81% về 10.850 đồng, thị giá cách rất xa vùng đỉnh 17.200 đồng/cổ phiếu của thời điểm đầu năm (ngày 7/1).
CTD của Coteccons dù đã tăng gần 12% trong một tháng qua và đang được giao dịch ở 66.000 đồng/cổ phiếu, nhưng mã này vẫn còn loay hoay tìm về đỉnh cũ. Mã này lập đáy 52 tuần vào ngày 20/5 tại 52.800 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, CTD vẫn đang giảm gần 22% so với đỉnh 84.200 đồng/cổ phiếu của hồi tháng 1.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù VN-Index vượt đỉnh, nhưng không có nghĩa rằng mọi cổ phiếu đều đạt đỉnh. Vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư "đu đỉnh" cổ phiếu ở giai đoạn trước và tại thời điểm này vẫn phải còn loay hoay với bài toán "trung bình giá" hay "cắt lỗ" cổ phiếu vì vẫn "chưa vào bờ" (chưa về điểm hòa vốn ban đầu).
Vì sao thị trường tăng nhưng tài khoản nhà đầu tư vẫn âm?
Việc thua lỗ diễn ra khi thị trường tăng (uptrend) chủ yếu do các nguyên nhân: Thứ nhất, nhà đầu tư chọn sai cổ phiếu; thứ hai, nhà đầu tư vào nhầm thời điểm; thứ ba, "chọn bừa" cổ phiếu!
Ở lý do thứ nhất, có thể thấy rằng, VN-Index vượt 1.400 điểm chủ yếu nhờ vào những ngành dẫn dắt như thép, ngân hàng, chứng khoán… Trong giai đoạn uptrend, ít mã cổ phiếu của các doanh nghiệp nằm ngoài những ngành này đạt được mức tăng trưởng nhanh và mạnh.
VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là mã cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư nhắc tới nhiều nhất trong thời gian qua. Mặc dù Vinamilk là doanh nghiệp đầu ngành và có kết quả kinh doanh ổn định, tình hình tài chính vững chắc, song cổ đông VNM gần như bị "chôn vốn" từ đầu năm đến nay bất chấp VN-Index liên tiếp vượt đỉnh.
Ở lý do thứ hai, ngay cả với những mã thuộc các ngành tăng trưởng mạnh, song nếu vào sai thời điểm, nhà đầu tư cũng dễ rơi vào tình thế "đu đỉnh".
Ví dụ như tại ngành ngân hàng, trong tháng 5, cổ phiếu ngân hàng "thượng vàng hạ cám" đều tăng rất mạnh. Theo đó, nhiều nhà đầu tư chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của dòng cổ phiếu ngày đã không kiềm chế được lòng tham, vội vàng đặt lệnh mua do lo sợ lỡ nhịp tăng (tâm lý fomo).
Đến đầu tháng 6, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt bị chốt lời, xả mạnh. Lúc đó, những nhà đầu tư "fomo" do cổ phiếu chưa đủ T+3 (chưa về tới tài khoản) nên bị "kẹt hàng", ngậm ngùi "gồng lỗ".
Cho đến nay, vẫn rất nhiều mã cổ phiếu ngân hàng chưa thể quay về được mức đỉnh đã đạt được trong tháng 5, đồng nghĩa với việc nhiều nhà đầu tư đang thua lỗ.
Đó là chưa kể đến trường hợp thứ ba, đó là những quyết định mua/bán tùy hứng. Với nhiều hội nhóm trên các diễn đàn đầu tư hiện nay, hoạt động "phím hàng" rất công khai và không phải lúc nào cũng trúng.
Khác với sự phân hóa hiện nay, thời gian trước, khi VN-Index tăng và đà tăng lan tỏa ở tất cả ngành nghề và hầu hết nhà đầu tư tham gia thị trường "cứ đánh là trúng", cứ mua là lãi. Thế nhưng, việc chọn mua cổ phiếu không có sự đầu tư nghiên cứu và đặc biệt là lạm dụng margin có thể sẽ khiến nhà đầu tư bị "cháy" tài khoản bất cứ lúc nào.
Mai Chi