Fica
  1. Chứng Khoán

Mục tiêu lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, cổ phiếu Vinalines “nằm sàn” 3 phiên liền

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trước thời điểm “thay tên đổi họ”, cổ phiếu MVN của Vinalines diễn biến tiêu cực, liên tục “nằm sàn” và mất giá tới 38%. Tổng công ty này dự kiến sẽ lỗ 1.024,84 tỷ đồng trong năm nay.

Mục tiêu lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, cổ phiếu Vinalines “nằm sàn” 3 phiên liền - 1

Vinalines sẽ chính thức chuyển sang thương hiệu mới là "VIMC" kể từ 1/9 tới

MVN “nằm sàn” 3 phiên liên tiếp

Thị trường UPCoM phiên hôm qua (18/8) mặc dù chứng kiến tình trạng giảm giá tại VEA, BVB, VBB nhưng ngược lại, VIB, LPB, VTP, SIP tăng giá đã hỗ trợ đáng kể cho chỉ số và giúp chỉ số này tăng trong khi hai chỉ số chính VN-Index và HNX-Index suy giảm.

Tuy vậy, cổ phiếu MVN trên sàn này lại liên tục là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến UPCoM-Index. MVN là mã cổ phiếu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Sau thời gian dài gần như không có thanh khoản, trong 3 phiên trở lại đây, MVN liên tục giảm sàn, giảm từ 13.400 đồng xuống còn 8.300 đồng (tương ứng thị giá “bốc hơi” hơn 38%), khớp lệnh thấp.

Cổ phiếu MVN diễn biến tiêu cực trong bối cảnh tổng công ty này vừa công bố mục tiêu doanh thu 1.526 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 do Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước đề ra là 1.555 tỷ đồng; đặc biệt là mục tiêu lỗ 1.024,84 tỷ đồng trong khi kế hoạch do Uỷ ban giao là lãi 51 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV, MVN ước lỗ trước thuế 139,73 tỷ đồng, nhưng chỉ 4 tháng cuối năm khi chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần thì mục tiêu lỗ đẩy lên con số 885,11 tỷ đồng.

Lãnh đạo tổng công ty này cho rằng, tác động tiêu cực do dịch Covid – 19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải biển, thanh lý các tàu biển; việc phải phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn DNNN chưa được xử lý lên tới hơn 940 tỷ đồng cũng khiến lợi nhuận dự kiến năm 2020 của công ty mẹ chuyển từ có lãi sang lỗ lớn.

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông lần đầu vừa diễn ra cách đây không lâu, ĐHĐCĐ của MVN đã thống nhất kể từ ngày 1/9/2020 tới, doanh nghiệp sẽ chính thức chuyển đổi thương hiệu Vinalines sang “VIMC” (Vietnam Maritime Corporation) và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, chính thức khép lại chặng đường cổ phần hoá công ty mẹ sau 2 năm thực hiện IPO.

Cơ hội kiếm lời ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

Thị trường chuyển xấu trong phiên chiều qua khi áp lực bán mạnh trên nền thanh khoản thấp đã khiến các chỉ số nới rộng hơn khoảng cách so với đường tham chiếu.

VN-Index giảm 3,72 điểm tương ứng 0,44% còn 846,43 điểm; HNX-Index cũng giảm 0,19 tương ứng 0,16% còn 117,02 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index vẫn đạt được trạng thái tăng 0,22 điểm tương ứng 0,39% lên 57,09 điểm.

Thanh khoản đạt 227,51 triệu cổ phiếu tương ứng 3.953,02 tỷ đồng trên HSX và 39,61 triệu cổ phiếu tương ứng 409,41 tỷ đồng trên HNX. Khối lượng giao dịch trên UPCoM đạt 19,19 triệu cổ phiếu tương ứng 240,69 tỷ đồng.

Điều đáng nói là độ rộng thị trường lại nghiêng về phía các mã tăng giá. Thống kê cho thấy có 396 mã tăng, 59 mã tăng trần so với 323 mã giảm và 28 mã giảm sàn. Điều này cho thấy, các chỉ số chính bị kéo sụt là do ảnh hưởng của diễn biến tiêu cực lại các cổ phiếu lớn .

Bằng chứng là tại rổ Vn30 có tới 21 mã giảm trong khi chỉ có 5 mã tăng và 4 mã đứng giá tham chiếu. Trong số này, các “ông lớn” lại là những mã có thiệt hại nặng nhất. SAB giảm 3.200 đồng còn 180.600 đồng; VNM giảm 1.400 đồng còn 115.600 đồng; VIC giảm 1.200 đồng còn 86.500 đồng. MSN, VRE, BID, HPG, VHM, GAS đều sụt giá.

Theo đó, VN30-Index ghi nhận mức thiệt hại 4,59 điểm tương ứng 0,58% còn 786,95 điểm, giảm mạnh hơn so với VN-Index.

Chỉ riêng cổ phiếu VIC đã khiến VN-Index bị kéo sụt 1,16 điểm và tác động từ VNM là 0,69 điểm; từ SAB là 0,58 điểm; từ BID là 0,34 điểm.

Tương tự, với 12 mã giảm nhưng chỉ số HNX30-Index cũng đánh mất 0,21 điểm tương ứng 0,1% còn 217,29 điểm; giảm mạnh hơn HNX-Index. VCS, ACB, VCG, PVS, SHB, SHS cùng giảm giá.

Trái ngược lại với nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, phiên hôm qua lại chứng kiến sự bứt phá của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Theo đó, tác động tích cực nhất đến VN-Index là GVR, VGC, APH, GEX, GME, STB, SBT, CII, BWE… Trên HNX là sự nổi lên của PVI, S99, NTP, AMV, IDJ, IDC, VHL, BCC, DHT, DST…

Theo nhận xét của các chuyên gia VDSC, trong hai ngày liên tiếp vừa qua, thị trường chứng khoán vẫn chưa tìm lại được phong độ và áp lực bán chủ động hơn bên mua.

Mặc dù thị trường đỏ lửa nhưng sự phân hóa rất rõ khi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại tăng giá tích cực. Với tình hình hiện tại VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tạm thời nghĩ ngơi ở nhóm “bluechip” và chuyển hướng qua các cổ phiếu midcap và penny đang có câu chuyện thị trường.

Mai Chi