Như tin đã đưa, cổ phiếu SAS của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã có một phiên giao dịch bùng nổ trong ngày cuối tuần (19/7). Đóng cửa phiên này, SAS tăng 2.600 đồng tương ứng 0,81% lên 29.100 đồng. Đây cũng là đỉnh giá của SAS trong hai năm trở lại đây.
Thông tin hỗ trợ đắc lực cho mã này trong ngày hôm qua đó là kết quả kinh doanh quý II của SASCO cải thiện mạnh.
Cụ thể, trong quý 2/2019, SAS thu về 791,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 44,5% lên 49,8%. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế quý II tăng mạnh lần lượt 48,5% và 46,1% lên con số 196,6 tỷ đồng và 173,6 tỷ đồng.
Với kết quả này, luỹ kế nửa đầu năm 2019, SASCO báo lãi trước thuế 219,6 tỷ đồng và lãi sau thuế 189,9 tỷ đồng, tăng 34,7% và 35,6% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Hạnh và bà Lê Hồng Thuỷ Tiên đều đang nằm trong HĐQT SASCO
Đáng chú ý, gần một nửa nguồn thu của SASCO trong quý II là doanh thu hàng hoá tại cửa hàng miễn thuế. Mảng này mang về 325,1 tỷ đồng cho SASCO, tăng hơn 5%. Kinh doanh hàng miễn thuế vốn được coi là “mỏ vàng” mang về nguồn lợi khủng cho SASCO.
Trong cơ cấu cổ đông SASCO, hiện ACV nắm 49,07% vốn còn lại, nhóm cổ đông liên quan đến gia đình ông Nguyễn Hạnh - Chủ tịch HĐQT SASCO là 45,5%. Vợ ông Hạnh - bà Lê Hồng Thuỷ Tiên cũng là thành viên HĐQT không điều hành của doanh nghiệp này. Kể từ sau thời điểm thâu tóm doanh nghiệp này vào năm 2017, “vua hàng hiệu” không ngừng gia tăng vai trò và sở hữu cổ phần tại SASCO.
Với hoạt động ăn nên làm ra của SASCO, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Hạnh - nhà chồng diễn viên Hà Tăng, thu về cổ tức lớn. Trong kỳ vừa rồi, SASCO đã chi trả gần 9,8 tỷ đồng cho Công ty TNHH Thời trang và mỹ phẩm Duy Anh, gần 49,7 tỷ đồng cho Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương và 30,6 tỷ đồng cho Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu.
Cơ cấu doanh thu SASCO trong quý II/2019
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch cuối tuần 19/7 khép lại với trạng thái tăng tích cực trên cả hai sàn. Chỉ số chính VN-Index được hỗ trợ đáng kể nhờ sự bứt phá của các mã bluechips.
Cụ thể, VN-Index tăng 6,29 điểm tương ứng 0,64% lên 982,34 điểm; riêng rổ chỉ số 30 mã tiêu biểu của sàn này VN30-Index tăng tới 9,98 điểm tương ứng 1,15%. Bên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,33 điểm tương ứng 0,31% lên 107,07 điểm.
Thống kê có 353 mã tăng, 54 mã tăng trần so với 324 mã giảm và 42 mã giảm sàn. Như vậy, chênh lệch số mã tăng - giảm trên quy mô thị trường không đáng kể, chỉ số chính đang chịu sự chi phối của các mã vốn hoá lớn.
Thanh khoản cải thiện so với phiên trước với tổng cộng 170,26 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 4.002,13 tỷ đồng và 27,45 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 446,37 tỷ đồng.
VCB và VIC tiếp tục là những “công thần” của VN-Index khi hai mã này lần lượt đóng góp 2,85 điểm và 1,19 điểm trong mức tăng chung của chỉ số. VNM, MSN, VRE, VHM, EIB, TCB… cũng đóng góp tích cực cho đà tăng chung.
Chiều ngược lại, SAB, GAS, HPG, BVH, POW, HVN, TPB giảm giá. Trong đó, riêng SAB với mức giảm 2,4% đã lấy đi của VN-Index tới 1,31 điểm và thiệt hại do GAS đem lại là 0,68 điểm khi mã này đánh mất 1,1% giá trị.
Theo quan sát của VDSC, các mã cổ phiếu có mức tăng ấn tượng trên sàn HSX hôm qua là TIP tăng 6,9%; CCL tăng 6,7%; FTS tăng 6,2%; LDG tăng 5,1%. Ở sàn HNX, các mã cổ phiếu có sự đóng góp lớn cho chỉ số HNX là AMV tăng 4,4%; HUT tăng 4%; SCI tăng 4,9%; TNG tăng 2,4%.
Riêng sàn UPCoM cũng xuất hiện một số mã cổ phiếu có thanh khoản cao và có mức tăng giá khá tốt là SAS tăng 9,8%; SSN tăng 8,1%; GEG tăng 6,3%; MFS tăng 5,3%.
Mai Chi