Thanh khoản mất hút trong phiên sáng
Phiên giao dịch hôm nay (15/7) dự kiến sẽ có những biến động lớn trên thị trường cơ sở do đây là phiên đáo hạn phái sinh. Tuy nhiên, diễn biến thực tế lại tương đối "buồn ngủ".
Thị trường chứng khoán giao dịch buồn ngủ trong phiên buổi sáng (Ảnh minh họa: TTXVN).
Biên VN-Index dao động từ vùng hỗ trợ cứng 1.270 lên gần 1.285 điểm và tạm đóng cửa mức 1.279,09 điểm, ghi nhận trạng thái giảm nhẹ 0,82 điểm tương ứng 0,06%. VN30-Index tăng 1,69 điểm tương ứng 0,12% lên 1.411,99 điểm.
HNX-Index tăng nhẹ 0,72 điểm tương ứng 0,24% lên 297,57 điểm. UPCoM-Index ngược lại hoàn toàn diễn biến dưới vùng tham chiếu, hết phiên sáng giảm 0,55 điểm tương ứng 0,65% còn 84,02 điểm.
Thanh khoản trên toàn thị trường tiếp tục bị bóp chặt. Giá trị giao dịch trên HSX xuống mức cực thấp, chỉ đạt 6.544,66 tỷ đồng trong sáng nay. So với những phiên có thanh khoản trên 20.000 tỷ đồng thì nguồn tiền đổ vào thị trường trong sáng nay quá thấp.
HNX tương tự cũng chỉ có 32,3 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 757,5 tỷ đồng; UPCoM có 15,72 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 286,84 tỷ đồng.
Có đến 823 mã không có giao dịch trong sáng nay. Trong khi đó, độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã tăng giá. Có 363 mã tăng, 18 mã tăng trần so với 347 mã giảm, 17 mã giảm sàn.
Trong khi VCB, VPB, GVR, TCB, HPG sáng nay tăng giá và có đóng góp tích cực cho VN-Index thì ở chiều ngược lại, tình trạng giảm giá ở VJC, VIC, MSN, GAS và BCM giảm sàn lại gây áp lực đáng kể lên thị trường chung.
Với sự dẫn dắt của VPB (tăng 2,4%), nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng sáng nay đã hồi phục: OCB tăng 1,7%; TCB tăng 1,6%; CTG tăng 1,2%; VCB tăng 1,2%; PGB, TPB, EIB, SHB, HDB, SGB cũng tăng giá.
Cổ phiếu ngân hàng đang được hỗ trợ bởi thông tin trên thị trường cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng.
Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng ghi nhận diễn biến hồi phục tại AGR, APS, BVS, SBS; SHS, HCM, MBS, SSI, CTS, VND. PHS tăng trần 14,9% nhưng gần như không có thanh khoản.
Bứt phá phiên chiều, VN-Index tăng 14 điểm
Phiên chiều, thị trường đã giao dịch phấn chấn khi dòng tiền được đổ vào thị trường một cách tích cực hơn. Thanh khoản HSX nâng lên 15.144,71 tỷ đồng, khối lượng giao dịch ở mức 439,92 tỷ đồng. Con số này tuy chưa đạt kỳ vọng nhưng so với phiên sáng đã cho thấy sự gia nhập của dòng tiền lớn.
Các chỉ số hồi phục ấn tượng phiên chiều, dòng tiền bắt đầu quay trở lại thị trường (Ảnh chụp màn hình bảng giá VDSC).
Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 88,83 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 2.095,82 tỷ đồng. UPCoM có 34,21 triệu cổ phiếu tương ứng 630,08 tỷ đồng.
Nhờ sự mạnh dạn "vào hàng", giao dịch trên thị trường đã phá bỏ được trạng thái "buồn ngủ". VN-Index tăng 14,01 điểm, tương ứng 1,1%, lên 1.293,92 điểm; HNX-Index tăng 9,45 điểm, tương ứng 3,18%, lên 306,3 điểm và UPCoM-Index tăng 0,42 điểm, tương ứng 0,49%, lên 84,98 điểm.
Nhà đầu tư phấn khởi và đang dần giảm bớt trạng thái chán nản khi thị trường thị trường xuống quá nhanh nhưng hồi phục khó nhọc và chậm rãi. Sự hưng phấn đã giúp 623 mã trên thị trường tăng giá thời điểm chốt phiên hôm nay, 46 mã tăng trần so với 222 mã giảm, 15 mã giảm sàn.
Tâm điểm thị trường phiên này là cổ phiếu ngành chứng khoán và ngân hàng. Cổ phiếu ngành chứng khoán rất khỏe, PHS và CTS tăng trần; AGR tăng 6,5%; APS tăng 6,5%; VND tăng 5,9%; MBS tăng 5,3%; SSI tăng 5,3%; AAS tăng 5%; BVS tăng 4,9%...
Cổ phiếu chứng khoán diễn biến tích cực ở phiên 15/7 (Ảnh chụp màn hình).
Cổ phiếu ngân hàng tương tự cũng tăng mạnh. SHB tăng trần và được giao dịch lên tới trên 27 triệu đơn vị; SSB tăng 5,5%; OCB tăng 4,6%; VPB tăng 4,1%; KLB tăng 4%; CTG tăng 3,9%; SGB tăng 3,6%...
Cổ phiếu ngân hàng hồi phục tích cực (Ảnh chụp màn hình).
DXS giảm mạnh phiên chào sàn
Sáng nay, cổ phiếu DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh chào sàn Hà Nội (HNX). Có hơn 358 triệu cổ phiếu DXS lên sàn HNX hôm nay với mức giá chào sàn là 32.000 đồng. Tuy nhiên, phiên đầu tiên giao dịch của mã cổ phiếu này đã đi ngược lại với mọi "thông lệ".
Nếu như các cổ phiếu thường được "tranh cướp" ở phiên đầu ra mắt thì DXS lại diễn biến theo hướng tiêu cực. Trong phiên, mã này có lúc giảm về 26.000 đồng (giảm 18,75%) trước khi đóng cửa tại mức giá 29.000 đồng (giảm 9,38%).
Cây nến của DXS trong phiên giao dịch đầu tiên (Ảnh chụp màn hình).
Tại buổi Roadshow cổ phiếu DXS, lãnh đạo công ty cho rằng thương vụ niêm yết DXS sẽ là "bom tấn" với mức giá chào sàn dự kiến là 4X.000 đồng/cổ phiếu (trên 40.000 đồng/cổ phiếu). Trong đợt IPO của DXS, toàn bộ gần 72 triệu cổ phiếu DXS đã được chào bán thành công với mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau đó mức giá chào sàn cũng đúng bằng 32.000 đồng đã gây thất vọng lớn cho nhà đầu tư.
Theo Bản cáo bạch của DXS, tính đến ngày 10/5, công ty này có 1.653 cổ đông sở hữu hơn 358,2 triệu cổ phiếu, tương đương 100% vốn. Trong đó có 1.630 cổ đông trong nước và 23 cổ đông nước ngoài. Riêng Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) nắm giữ 201,6 triệu cổ phiếu, tương đương 56,28% vốn điều lệ.
Đáng chú ý là ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT lại không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu DXS nào. Cùng với ông Thìn, 4 thành viên HĐQT khác của DXS đều không sở hữu cổ phiếu. Ông Lương Trí Thảo, anh trai ông Thìn sở hữu 90.087 cổ phiếu DXS.
Mai Chi