Phiên giao dịch ngày 21/2, giá cổ phiếu SAB của Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tiếp tục tăng 4.000 đồng tương ứng 1,6% lên 248.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, từ sau Tết Âm lịch đến nay, mã này mới chỉ có một phiên giảm vào ngày 13/2.
Tổng mức tăng của SAB kể từ đầu năm âm lịch Kỷ Hợi đạt 15.000 đồng/cổ phiếu tương ứng 6,44%.
Giá cổ phiếu SAB bất ngờ tăng mạnh giai đoạn sau Tết
Một báo cáo phân tích đối với cổ phiếu SAB do Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố cho biết, theo số liệu từ Nielsen, thị phần của Sabeco đã liên tục tăng trưởng theo từng tháng kể từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2018 (tăng 1,8 điểm % trong giai đoạn này) một phần nhờ marketing.
Động thái tái thúc đẩy hoạt động marketing của Sabeco bắt đầu trong tháng 7/2018 với sự hợp tác với CLB bóng đá Leicester City, trong đó thương hiệu “Bia Sài Gòn” của SAB được gắn trên tay áo thi đấu chính thức của CLB Leicester City cho mùa giải 2018/2019.
Sabeco sau đó triển khai chương trình Festival Biển trong giai đoạn tháng 8 – tháng 9/2018, chương trình khuyến mãi bật nắp chai trúng xe Mercedez trong tháng 9-11/2018, tài trợ cho giải AFF Suzuki Cup trong tháng 10-11/2018, chương trình Tết Nguyên đán từ tháng 11/2018 cũng như tổ chức chương sự kiện Tự hào Việt Nam (Pride of Vietnam) vào ngày 24/12/2018.
Theo tính toán của VCSC, hãng bia này đã đổ mạnh tiền cho chi phí quảng cáo và khuyến mãi trong giai đoạn cuối năm 2018. Chi phí này tăng mạnh 42% so với cùng kỳ trong quý 4/2018 sau khi giảm mạnh 30% trong 9 tháng 2018.
Thế nhưng, số liệu tại báo cáo tài chính lại cho thấy, trong quý IV, doanh thu thuần của Sabeco lại giảm so với cùng kỳ, đạt 10.406 tỷ đồng; lãi ròng quý IV giảm tới 26% so với cùng kỳ, đạt 863 tỷ đồng và là quý có lãi thấp nhất trong vòng 12 quý gần đây của hãng bia này.
Luỹ kế cả năm 2018 – năm đầu tiên đánh dấu Sabeco về tay “ông chủ Thái”, doanh thu thuần của hãng bia này tăng 5% so với 2017 lên 35.948 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 11% xuống 4.175 tỷ đồng, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2018.
Tuy nhiên, với những thông tin về thị phần đã nêu ở trên, có vẻ như sau khi chi ra tới 5 tỷ USD thâu tóm hãng bia lớn nhất Việt Nam, tỷ phú Thái vẫn tiếp tục muốn tăng độ phủ, chấp nhận đổi doanh thu lấy thị phần.
Tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi - người đứng sau thương vụ thâu tóm Sabeco
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên 21/2, VN-Index bất ngờ tăng mạnh tới 16,99 điểm tương ứng 1,75% lên 987,57 điểm, trong khi HNX-Index lại nới rộng biên độ giảm, mất 0,19 điểm tương ứng 0,18% còn 106,11 điểm.
Chỉ số chính tăng mạnh bất chấp độ rộng thị trường đang nghiêng về các mã giảm giá. Trên toàn thị trường có 322 mã giảm, 30 mã giảm sàn so với 243 mã tăng, 30 mã tăng trần.
Thanh khoản thị trường đạt 178,58 triệu cổ phiếu tương ứng 4.463,09 tỷ đồng trên HSX và 30,37 triệu cổ phiếu tương ứng 455,4 tỷ đồng trên HNX.
Phiên này, thị trường đạt được sự đồng thuận mạnh mẽ của một số mã vốn hoá lớn, đặc biệt là VHM. Mã này tăng trần lên 96.700 đồng đã góp vào cho VN-Index tới 6,43 điểm. Trong khi đó, VNM cũng đóng góp 2,92 điểm và VIC đóng góp 1,85 điểm. VRE, MSN, VCB, SAB, GAS… cũng là những mã tăng giá và tác động tích cực đến chỉ số chung.
Chiều ngược lại, EIB, CTG, VJC, BVH, DPM… giảm giá, tuy nhiên mức ảnh hưởng của những mã này đến diễn biến chỉ số chính là không đáng kể.
Trong phiên giao dịch 22/2, BVSC dự báo thị trường có thể điều chỉnh giảm về mặt điểm số khi các cổ phiếu bluechips có dấu hiệu được đẩy giá quá đà trong phiên ATC hôm qua nhiều khả năng sẽ chịu áp lực kéo giảm trở lại.
Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục biến động với sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu, kèm theo đó là sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn.
Các nhóm cổ phiếu được sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại sẽ tiếp tục tạo được sức hút với thị trường. Bên cạnh đó, dòng tiền dự kiến sẽ tiếp tục tìm đến các cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang điều chỉnh tích lũy thuộc các nhóm ngành như dầu khí, ngân hàng, vật liệu xây dựng, bất động sản... để tìm kiếm lợi nhuận.
BVSC cho rằng, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư không được khuyến nghị mở thêm các vị thế mua mới từ vùng trên 991 điểm, bởi rủi ro điều chỉnh giảm mạnh của thị trường kể từ vùng kháng cự trên đang có dấu hiệu gia tăng.
Mặt khác, nhà đầu tư có thể canh các nhịp tăng điểm của thị trường trong những phiên tới để bán giảm tỷ trọng đối với các tài khoản đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao. Tỷ trọng tổng danh mục nên được khống chế tối đa ở mức 45-55% cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.
Mai Chi