Diễn biến tích cực đã diễn ra vào phiên chiều qua (25/2) khi các chỉ số đồng loạt tăng và thanh khoản trên thị trường vẫn duy trì ở mức cao.
VN-Index tăng 6,33 điểm, tương ứng 0,7% lên 909,67 điểm và HNX-Index tăng 2,49 điểm tương ứng 2,39% lên 106,66 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,3 điểm tương ứng 0,55% lên 55,53 điểm.
Thanh khoản thị trường cho thấy sự ổn định với khối lượng giao dịch đạt 221,12 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng giá trị giao dịch 3.880,42 tỷ đồng. HNX có 42,51 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 505,37 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 9,81 triệu cổ phiếu tương ứng 128,54 tỷ đồng.
Bức tranh thị trường cải thiện rõ rệt với sự áp đảo của số lượng mã tăng giá so với bên giảm. Theo thống kê, có 370 mã tăng, 37 mã tăng trần trên cả ba sàn so với 287 mã giảm và 35 mã giảm sàn.
Trong phiên này, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của các mã “đầu tàu”: BID tăng 2.500 đồng; CTG tăng trần 1.700 đồng (không hề còn dư bán và cuối phiên vẫn có dư mua giá trần hơn 253 nghìn đơn vị); VPB tăng 1.500 đồng.
Và theo đó, các mã này có đóng góp rất lớn trong diễn biến phục hồi của VN-Index. Riêng BID đóng góp 2,92 điểm; CTG đóng góp 1,84 điểm và VPB đóng góp 1,07 điểm.
Ngoài ra, VNM, TCB, MBB, HPG, FPT, HDB cũng hỗ trợ đáng kể cho chỉ số chính. Chiều ngược lại, VCB, VHM, GAS, HVN, TCH, VIC vẫn tiếp tục gặp bất lợi, trong đó VCB lấy đi của VN-Index tới 1,08 điểm.
Ông Bùi Quang Ngọc (phải) quyết định rời HĐQT FPT Telecom
Cổ phiếu FPT hôm qua tăng giá 1.500 đồng tương ứng 2,86% lên 54.000 đồng nhưng FOX của FPT Telecom trên sàn UPCoM lại đứng giá 47.000 đồng với thanh khoản sụt giảm mạnh.
Theo tại liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vừa được FPT Telecom công bố, “lão tướng” Bùi Quang Ngọc đã có đơn từ nhiệm và phương án thay thế mà ban lãnh đạo công ty này đưa ra là đề cử ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Phần mềm FPT làm Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2023.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự 920-925 điểm trong một vài phiên kế tiếp sau khi đã kiểm định thành công vùng hỗ trợ 891-898 điểm lần thứ hai.
Tuy nhiên, rủi ro của thị trường vẫn đang hiện hữu sau phiên sụt giảm mạnh trước đó. Vì vậy, BVSC vẫn phải đưa ra cảnh báo rằng nếu không giữ được vùng hỗ trợ 891-898 điểm, chỉ số sẽ đối mặt với nguy cơ hình thành nhịp sụt giảm mới trong ngắn hạn với đích đến tiếp theo nằm tại vùng hỗ trợ mạnh trung hạn 865-880 điểm trong thời gian tới.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là việc dịch bệnh đang có dấu hiệu lan nhanh và chưa có dấu hiệu được kiểm soát tại Hàn Quốc có thể sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Chiến lược đầu tư được khuyến nghị ở thời điểm này là duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Theo đó, nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng.
Còn nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt được khuyên tiếp tục đứng ngoài thị trường hoặc có thể xem xét mở vị thế mua trading với các vị thế có sẵn trong danh mục nếu thị trường kiểm định thành công vùng hỗ trợ 891-898 điểm một lần nữa.
Mai Chi