Phiên giao dịch ngày 14/4, mặc dù phần lớn thời gian diễn biến dưới vùng tham chiếu song VN-Index vẫn hồi phục 1,62 điểm tương ứng 0,21% lên 767,41 điểm vào thời điểm cuối phiên. HNX-Index tương tự cũng rút ngắn biên độ giảm, chỉ đánh mất 0,01% còn 107,15 điểm và HNX-Index giảm nhẹ 0,08 điểm tương ứng 0,15% còn 50,78 điểm.
Thanh khoản đạt 266,77 triệu cổ phiếu tương ứng 4.068,39 tỷ đồng trên HSX và 50,33 triệu cổ phiếu tương ứng 479,51 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 15,02 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch đạt mức 166,85 tỷ đồng.
Quý 1/2020, Dabaco đi ngược dòng với xu hướng suy giảm chung của các ngành nghề kinh tế
Cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco Việt Nam tiếp tục có một phiên tăng mạnh, tăng 1.100 đồng tương ứng 5% lên 23.100 đồng. Mã này đang tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, mức tăng lên tới gần 27% trong 1 tuần và hơn 52% trong 1 tháng.
Ngày 13/4 vừa rồi, Hội đồng quản trị Dabaco đã họp đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh quý 1/2020 và thông qua việc tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Cụ thể, trong quý đầu năm, doanh thu của tập đoàn này đạt 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỷ đồng, lần lượt tăng 84% và tăng 17 lần so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận đã hoàn thành 84% kế hoạch năm.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế vì dịch viêm phổi cấp Covid-19, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát, Dabaco vẫn hoàn thành và đưa các dự án mới vào hoạt động như Khu chăn nuôi Dabaco Tuyên Quang, Phú Thọ (giai đoạn 2), Khu chăn nuôi gà giống và Nhà máy Thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước, Nhà máy dầu thực vật Dabaco…
Thông tin đáng chú ý là tại cuộc họp vừa rồi, Hội đồng quản trị Dabaco đã thống nhất mức chi cổ tức năm 2020 là 25%, trong đó 15% bằng tiền mặt (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng) và 10% bằng cổ phiếu (sở hữu 10 cổ phiếu nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Kế hoạch này sẽ trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 thông qua vào ngày 26/4 tới.
Cổ đông Dabaco hưởng lợi nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh trong 1 tháng gần đây
Trên toàn thị trường chứng khoán hôm qua có 354 mã giảm giá, 54 mã giảm sàn so với 312 mã tăng và 54 mã tăng trần. Như vậy, độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng về phía các mã giảm.
Nhóm cổ phiếu bluechip đang đóng vai trò khá tích cực trong diễn biến chung. Mức tăng của chỉ số VN30-Index đạt 7,44 điểm tương ứng 1,05% lên 713,81 điểm.
Một số mã có diễn biến tăng đáng chú ý là MSN tăng 2.900 đồng lên 61.000 đồng; SAB tăng 2.400 đồng lên 143.400 đồng, FPT tăng tới 3.000 đồng lên 49.500 đồng.
Đáng chú ý, VPB tăng trần 1.350 đồng lên 21.300 đồng, không hề còn dư bán cuối phiên và có dư mua giá trần. Bên cạnh MSN thì VPB là mã có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index, mức độ tác động lần lượt là 0,97 điểm và 0,95 điểm.
Trong nhóm cổ phiếu họ Vingroup, VHM tăng 700 đồng lên 68.000 đồng và VRE tăng 750 đồng lên 26.200 đồng. Tuy nhiên, VIC lại giảm giá nhẹ 400 đồng còn 95.600 đồng.
Phiên này, cổ phiếu ngành hàng không đã quay đầu giảm. VJC mất 2.900 đồng còn 112.800 đồng, HVN giảm nhẹ xuống 23.450 đồng; MAS giảm 1.600 đồng còn 30.400 đồng và ACV cũng giảm 1.000 đồng còn 53.300 đồng.
Cổ phiếu họ FLC “đỏ sàn”: AMD giảm còn 2.740 đồng, ROS giảm còn 3.840 đồng, GAB giảm còn 141.600 đồng, FLC giảm còn 2.950 đồng, HAI giảm còn 2.640 đồng… Hầu hết cổ phiếu trong nhóm này đều có thị giá rất thấp, dưới 5.000 đồng, duy có GAB đang duy trì thị giá cao.
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index đã có dấu hiệu bật lên từ ngưỡng 750 điểm, cho thấy đây có thể coi như là một tín hiệu tương đối tích cực. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chưa có sự cải thiện đáng kể, cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa thực sự có niềm tin vào thị trường và lực cầu bắt đáy phiên hôm qua cũng chủ yếu xuất hiện ở những cổ phiếu đang đi vào vùng quá bán theo phân tích kỹ thuật.
Với bối cảnh hiện tại, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sát sao sự vận động của dòng tiền trong một số phiên tới cùng với bối cảnh chung của thị trường tài chính quốc tế để có thể kịp thời tận dụng cơ hội ngay khi thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều đủ tin cậy.
Một thông tin khá thú vị dành cho nhà đầu tư là hãng tin Bloomberg của Mỹ vừa có đánh giá “chứng khoán Việt Nam đang là thị trường tốt nhất thế giới sau cú sập thảm hại hồi tháng 3”.
Trong nửa đầu tháng 4, VN-Index đã phục hồi 15%, trở thành thị trường chứng khoán tốt nhất thế giới trong dữ liệu mà Bloomberg tổng hợp. Cú hồi mạnh của thị trường xảy ra không lâu sau cú sập tới 25% hồi tháng 3, bắt nguồn từ những lo ngại về tác động của đại dịch Covid-19.
Mai Chi