Thị trường chứng khoán đã có một phiên giao dịch thuận lợi đầu tuần. Các chỉ số đều tăng điểm: VN-Index tăng 6,3 điểm tương ứng 0,74% lên 859,04 điểm; HNX-Index tăng 2,1 điểm tương ứng 1,97% lên 109,15 điểm và UPCoM-Index tăng 0,66 điểm tương ứng 1,21% lên 54,9 điểm.
Thanh khoản tốt. Dòng tiền vẫn gia nhập mạnh mẽ để giải ngân mua cổ phiếu. Trên HSX, có 307,22 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 5.868,06 tỷ đồng. HNX có 43,81 triệu cổ phiếu tương ứng 513,05 tỷ đồng và UPCoM có 14,61 triệu cổ phiếu tương ứng 198,21 tỷ đồng.
Điểm tích cực là sắc xanh chiếm ưu thế hoàn toàn trên cả 3 sàn giao dịch. Thống kê cho thấy có 426 mã tăng giá, 71 mã tăng trần trên toàn thị trường so với 282 mã giảm và 41 mã giảm sàn.
Một số cổ phiếu vẫn đạt được đà tăng sốc trong bối cảnh giao dịch trên thị trường thận trọng
Chỉ số chính nhận được hỗ trợ từ một số mã lớn, trong đó, đáng chú ý VNM tăng 3.200 đồng lên 117.600 đồng. Mã này đóng góp tới 1,59 điểm cho VN-Index.
Ngoài ra, SAB tăng 1.000 đồng lên 175.000 đồng, MWG tăng 1.100 đồng lên 86.100 đồng. VIC, VRE, BID, VHM, CTG, VCB, HPG đều đạt được trạng thái tăng giá.
Cổ phiếu khu công nghiệp vẫn “giữ lửa” và tiếp tục bùng nổ trong phiên chiều. KBC tăng trần lên 13.700 đồng, không hề còn dư bán. Tương tự, ITA cũng tăng trần lên 2.800 đồng, SZC tăng trần lên 20.150 đồng, D2D tăng 5,08% lên 60.000 đồng, SNZ tăng trần lên 25.700 đồng.
Đáng chú ý, hôm qua, cổ phiếu TEG của Công ty cổ phần Bất động sản và Xây dựng Trường Thành tăng thêm 2,36% lên 5.200 đồng. Trước đó, mã này đã có 8 phiên liên tiếp tăng trần và có 2 tuần liền nằm trong danh sách những cổ phiếu tăng mạnh nhất trên thị trường. Tính từ phiên 12/5 tới này, TEG đã tăng giá tới 74,5%.
Trong quý 1, TEG đạt 48,1 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn tăng, doanh thu hoạt động tài chính giảm, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức cao, do vậy, lãi thuần của TEG “bốc hơi” tới 90% so với cùng kỳ, lãi trước thuế và sau thuế giảm tương tự.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 95% so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn 258,3 triệu đồng so với con số hơn 5,2 tỷ đồng của quý 1/2019.
Thế nhưng, theo kế hoạch của TEG, trong năm 2020, công ty này đặt kế hoạch doanh thu 511,4 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với thực hiện của năm 2019, lãi trước thuế mục tiêu tăng 9,6 lần từ 8,4 tỷ đồng lên 80,53 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng tới 12 lần lên 64,4 tỷ đồng và lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ mục tiêu tăng từ 3,49 tỷ đồng lên 37,38 tỷ đồng (tăng 10,7 lần).
Mặc dù giá cổ phiếu tăng mạnh nhưng thanh khoản của TEG rất yếu. Khối lượng giao dịch bình quân trong vòng 1 tuần nay có cải thiện nhưng chỉ đạt hơn 93 nghìn cổ phiếu mỗi phiên, trong khi bình quân 3 tháng thì mỗi phiên chỉ đạt hơn 13 nghìn đơn vị giao dịch.
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), chỉ số VN-Index áp sát ngưỡng 860 điểm với đà tăng diễn ra tại nhiều nhóm cổ phiếu. Việc các cổ phiếu trụ cột vẫn luân phiên dẫn dắt thị trường và có sức lan tỏa là yếu tố tích cực trong phiên hôm qua.
Đồng thời, dòng tiền vẫn cho thấy các dấu hiệu tích cực xác nhận xu hướng tăng trung hạn tiếp diễn khi khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, VCBS nhận định các nhịp rung lắc vẫn có thể xảy ra khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự 860 - 865 điểm trước khi xác lập mặt bằng giá mới, và theo đó khuyến nghị nhà đầu tư nên chọn lọc kỹ lưỡng các cổ phiếu duy trì trong danh mục và có các chiến lược hợp lý với từng nhóm cổ phiếu.
Mai Chi