Đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 3/5 trên sàn chứng khoán là nhiều mã cổ phiếu giảm bất chấp kết quả kinh doanh quý 1/2019 vẫn tăng trưởng tốt.
Chẳng hạn PLX của Petrolimex hôm qua quay đầu giảm 900 đồng tương ứng 1,44% còn 61.600 đồng dù cùng ngày tập đoàn này đã công bố báo cáo tài chính quý 1 với kết quả kinh doanh tương đối khả quan.
Petrolimex vẫn tăng lãi rất mạnh trong quý I dù doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ
Mặc dù trong kỳ, doanh thu thuần của Petrolimex bị sụt giảm 7,6% so với cùng kỳ, đạt 41.960,8 tỷ đồng song nhờ giá vốn hàng bán giảm 9,6 % nên lợi nhuận gộp của “ông lớn” ngành xăng dầu vẫn khởi sắc với mức tăng gần 18%, đạt 3.778,2 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, Petrolimex báo lãi trước thuế 1.568,4 tỷ đồng, tăng tới 30% so với cùng kỳ quý I/2018 và lãi sau thuế đạt 1.294,5 tỷ đồng, tăng 29%. Trong đó, lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ 1.201 tỷ đồng, tăng gần 34% so với kết quả cùng kỳ.
Thị trường chứng khoán đã kết thúc phiên giao dịch ngày 3/5 với trạng thái giảm điểm ở cả hai chỉ số: VN-Index mất 4,36 điểm tương ứng 0,45% còn 974,14 điểm và HNX-Index giảm 0,13 điểm tương ứng 0,12% còn 106,87 điểm.
Trên quy mô thị trường, số mã giảm vẫn đang nổi trội hơn số mã tăng giá. Có 368 mã giảm, 49 mã giảm sàn so với 289 mã tăng và 51 mã tăng trần.
Thanh khoản duy trì thấp, chưa thấy rõ dòng tiền tìm vào thị trường mua cổ phiếu xuống giá. Có tổng cộng 148,56 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương đương 3.309,68 tỷ đồng và hơn 26 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương đương 253,85 tỷ đồng.
Phiên này, cổ phiếu tiếp tục giảm sàn và gây tác động tiêu cực lên chỉ số chính. Mã này đánh mất thêm 5.700 đồng xuống còn 76.700 đồng khi 12,25 triệu cổ phiếu BVH tương đương với 60% lượng cổ phiếu cổ phiếu ESOP trong đợt phát hành hồi năm ngoái được chuyển nhượng tự do trên sàn.
Số cổ phiếu “ưu đãi” này được Bảo Việt phát hành cho nhân viên cách đây 1 năm với mức giá chỉ 35.900 đồng so với thị giá thời điểm bấy giờ vào khoảng 90.000 đồng. Chính vì vậy, hoạt động “chốt lời” những cổ phiếu này khi đã được đưa vào lưu thông cũng là điều dễ hiểu.
Việc BVH giảm sàn trong phiên hôm qua đã khiến VN-Index mất 1,21 điểm trong khi bộ đội VIC và VHM giảm giá cũng tác động xấu lên chỉ số chính: VIC khiến chỉ số mất 1,07 điểm còn VHM khiến chỉ số mất 1,02 điểm.
Các mã lớn khác như GAS, PLX, BID, VRE, VCB, CTG cũng có một phiên giao dịch không thuận lợi và đều giảm giá. Ngược lại, VNM, NVL, STB, TCB, MBB tăng nhưng không đủ để bù đắp cho chỉ số.
BVSC nhận định, vào tuần tới, thị trường dự báo sẽ tiếp tục biến động theo xu hướng giằng co, đi ngang. VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng kẹp được chặn trên bởi vùng quanh 980 điểm và cận dưới nằm tại 965-968 điểm trong những phiên đầu tuần tới.
BVSC kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến khởi sắc hơn vào cuối tuần tới và sẽ sớm vượt qua ngưỡng cản này để hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh hơn nằm tại 986-992 điểm trong ngắn hạn.
Mai Chi