Phiên giao dịch sáng đầu tuần 12/11 diễn ra không mấy thuận lợi khi các chỉ số đã lao dốc ngay từ đầu phiên và hầu như chỉ diễn biến dưới đường tham chiếu. Tuy nhiên, đến cuối phiên sáng, biên độ giảm đã dần thu hẹp lại, có lúc VN-Index còn đạt được mức tăng nhẹ.
Tạm dừng phiên giao dịch sáng, VN-Index mất 2,15 điểm tương ứng 0,24% còn 912,14 điểm với 188 mã giảm so với 81 mã tăng trên sàn HSX. HNX-Index cũng mất 0,23 điểm tương ứng 0,22% còn 102,78 điểm do 70 mã giảm, lấn át so với 49 mã tăng.
Thanh khoản trên hai sàn tiếp tục ở mức thấp, đặc biệt là tại sàn Hà Nội. HNX chỉ có chưa tới 16 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch chưa tới 199 tỷ đồng. HSX cũng chỉ có hơn 73 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng hơn 1.490 tỷ đồng được nhà đầu tư giải ngân mua cổ phiếu.
Giá cổ phiếu GTT đang ở mức thấp "thảm hại" trong bối cảnh Thuận Thảo kinh doanh sa sút, nợ đầm đìa
VN-Index đang chịu tác động tiêu cực từ một số mã lớn như VNM, MSN, NVL, VCB, VJC và VIC. Các mã này sáng nay giảm giá, mức giảm không lớn song đã ảnh hưởng xấu đến chỉ số trong bối cảnh thị trường chung bất lợi.
Ngược lại, SAB, BVH, GAS, MWG… tăng đã hỗ trợ đáng kể cho chỉ số và khiến mức giảm được thu hẹp. Trong số những mã này, SAB có mức tăng mạnh mẽ nhất. Mã này sáng nay tăng 6.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng 2,7% lên 231.900 đồng.
Ngày 27/11 tới đây, Sabeco sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 2/2018 bằng tiền với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu SAB nhận 2.000 đồng tiền mặt) và dự kiến sẽ thanh toán vào 12/12. Trước đó vào ngày 31/10, SAB cũng vừa chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 15%.
Tổng mức chi trả cổ tức năm 2018 của SAB lên tới 35%. Với hơn 641 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền chi trả cổ tức của Sabeco sẽ là 2.244 tỷ đồng.
Toàn thị trường sáng nay có tới 916 mã không hề diễn ra giao dịch, phần lớn là trên sàn UPCoM. Khối lượng giao dịch trên thị trường UPCoM chỉ đạt 4,11 triệu đơn vị tương ứng hơn 74 tỷ đồng.
Trong số những cổ phiếu bị “chết” thanh khoản trên thị trường sáng nay có GTT của Công ty CP Thuận Thảo. Mã này hiện đang "dẫm chân tại chỗ" với mức giá 300 đồng. Với việc thua lỗ triền miên, GTT bị đưa vào diện kiểm soát từ 17/3/2016 tới nay và bị hạn chế giao dịch do vốn chủ sở hữu bị âm.
Với mức thị giá của GTT hiện nay thì giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thuận Thảo chỉ còn hơn 4,5 tỷ đồng. Bà Thanh hiện đang là cổ đông lớn nhất của Thuận Thảo, nắm 34,69% vốn công ty.
Mới đây, công ty CP Bán đấu giá Lam Sơn vừa thông báo tổ chức bán đấu giá lần thứ tư khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân, trong đó có bà Võ Thị Thanh. Khoản nợ hiện là tài sản thuộc sở hữu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Tổng dư nợ tại thời điểm ngày 30/6 là 2.378 tỷ đồng, được đảm bảo bằng trụ sở doanh nghiệp tại quận 1, hai khu đất với tổng diện tích 22 hecta tại huyện Bình Chánh và 5,2 triệu cổ phiếu GTT. Dư nợ tại VAMC là 1.905 tỷ đồng và tại BIDV là 473 tỷ đồng.
Giá khởi điểm cho khoản nợ trong đợt đấu giá sắp diễn ra vào giữa tháng 11 đã giảm xuống chỉ còn 844 tỷ đồng (giảm 140 tỷ đồng so với lần tổ chức cuối tháng 10). Trước đó, khoản nợ này được rao bán lần đầu vào giữa tháng 5 với mức khởi điểm 845 tỷ đồng. BIDV sau đó đề xuất điều chỉnh tăng giá khởi điểm lên 1.208 tỷ đồng do xác định lại giá của tài sản thu hồi từ công ty Thuận Thảo, đồng thời kéo dài thời hạn lựa chọn tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, phiên đấu giá vẫn thất bại nên BIDV và VAMC lại chủ động giảm giá cho lần đầu giá thứ hai và thứ ba lần lượt còn 1.090 tỷ đồng và 984 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BID của BIDV sáng nay cũng giảm nhẹ 0,5% còn 31.550 đồng sau phiên giảm 2,3% vào cuối tuần trước.
Mai Chi