Mặc dù đã có những nỗ lực vào cuối phiên song chỉ số VN-Index vẫn phải khép lại phiên giao dịch đầu tuần (11/3) với mức giảm nhẹ 0,65 điểm tương ứng 0,07% còn 984,6 điểm, trong khi HNX đạt trạng thái tăng 0,1 điểm, tương ứng 0,09% lên 108,32 điểm.
Toàn thị trường có 314 mã giảm, 46 mã giảm sàn so với 306 mã tăng, 39 mã tăng trần. Độ rộng thị trường nghiêng về các mã giảm, song mức chênh lệch số mã tăng giảm không lớn cho thấy sự giằng co mạnh.
Thanh khoản sụt giảm so với các phiên giao dịch của tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HSX đạt 178,65 triệu cổ phiếu, tương ứng 3.716,18 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 37,4 triệu cổ phiếu tương ứng 380,33 tỷ đồng.
Việc VHM giảm giá đã có tác động tiêu cực đến diễn biến VN-Index khi chỉ riêng mã này đã lấy đi của chỉ số tới 1,53 điểm. Bên cạnh đó, GAS, BID, POW cũng là những mã có ảnh hưởng kìm hãm chỉ số và xoá đi các nỗ lực từ những mã tăng như NVL, VRE, VNM, BHN…
Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan phiên này giảm nhẹ 200 đồng tương ứng 0,2% còn 89.600 đồng. Tuy diễn biến trồi sụt trong những phiên gần đây, song cổ phiếu MSN vẫn đạt được mức tăng gần 12% trong vòng 1 tháng giao dịch vừa qua. Khối tài sản của “tỷ phú nước mắm” Nguyễn Đăng Quang tại Masan theo đó cũng tăng tương ứng.
Tổng giá trị tài sản trên sàn của ông chủ Masan – Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang ở mức 22.846 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang - chủ của các thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi...
Theo ghi nhận của Forbes, ông Quang đang sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.717 trong danh sách siêu giàu thế giới năm 2019.
Ông Quang vừa mới được đưa vào danh sách tỷ phú USD của Forbes trong đợt xếp hạng năm 2019. Forbes cho rằng, dù chỉ trực tiếp sở hữu 15 cổ phiếu MSN song các dữ liệu họ thu thập được đủ chứng minh ông Quang là cổ đông cá nhân lớn nhất của Masan.
Trong danh mục cổ phần mà ông Quang nắm giữ có hơn 177 triệu cổ phiếu MSN gián tiếp sở hữu qua 48,5% cổ phần tại Công ty CP Masan và hơn 75 triệu cổ phiếu MSN gián tiếp sở hữu qua 48,5% cổ phần Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương.
Masan Group là một trong những công ty lớn nhất của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam tập trung hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng và tài nguyên, có tổng tài sản tại ngày 31/12/2018 là 64.578,6 tỷ đồng. Trong đó, Masan Consumer là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.
Doanh nghiệp này sản xuất và kinh doanh các loại thực phẩm và đồ uống bao gồm nước tương, nước mắm, tương ớt, mì ăn liền, cháo ăn liền, cà phê hòa tan, ngũ cốc dinh dưỡng và đồ uống đóng chai.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2000, sau đó Masan được cho là đã phát triển thêm danh mục sản phẩm, doanh thu bán hàng và các kênh phân phối trong nước để xác lập vị thế dẫn đầu trên thị trường thực phẩm tiêu dùng và đồ uống mang thương hiệu Việt. Những thương hiệu chủ chốt của Masan Consumer bao gồm Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake Up, Kachi và Vĩnh Hảo.
Về triển vọng của thị trường chứng khoán, theo nhận định của BVSC, trong phiên 12/3 này, thị trường dự báo sẽ hồi phục tăng điểm nhẹ và vùng 980-982 điểm sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ quan trọng của thị trường trong những phiên kế tiếp.
Hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs trong tuần này có thể khiến khối ngoại tiếp tục bán ròng trong những phiên tới. Tuy nhiên, việc chứng chỉ quỹ E1VFVN30 vẫn được mua ròng, là một điểm tích cực có thể hỗ trợ cho diễn biến của các chỉ số.
Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động theo hướng giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong phiên, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ có diễn biến khởi sắc hơn để hỗ trợ và giữ nhịp cho thị trường.
Bên cạnh đó, dòng tiền dự kiến sẽ tìm đến các cổ phiếu đang trong nhịp điều chỉnh thuộc các nhóm ngành như dầu khí, điện, khu công nghiệp, dệt may, vật liệu xây dựng và bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận.
Mai Chi