Thống kê giao dịch cuối phiên hôm nay (24/9) cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên bán ròng đột biến trên sàn HoSE với khối lượng bán ròng 141,15 triệu cổ phiếu, tổng giá trị bán ròng tương ứng là 2.431,23 tỷ đồng.
Tâm điểm bán ròng của khối ngoại tập trung vào cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam. Mã này bị bán ròng tổng cộng hơn 148 triệu đơn vị, giá trị bán ròng ở mức 2.664 tỷ đồng. Giao dịch này được thực hiện bằng phương thức thỏa thuận.
Với hơn 2,97 tỷ cổ phiếu VIB đang được lưu hành, số cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng hôm nay chiếm 4,97% vốn cổ phần VIB.
Trong khi khối lượng bán ra của khối ngoại là 148 triệu cổ phiếu VIB nhưng không có khối lượng mua vào của khối ngoại, theo đó, giao dịch mua vào được thực hiện bởi nhà đầu tư trong nước.
Đóng cửa phiên hôm nay, cổ phiếu VIB tăng 3,2% lên 19.100 đồng/đơn vị. Khớp lệnh tại mã này đạt hơn 19 triệu đơn vị.
Trước đó, phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 11/6 của VIB đã thông qua điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) từ 20,5% xuống 4,99%. Nội dung này nhận được 74,28% ý kiến tán thành và 25,7% ý kiến không tán thành. Nghị quyết này có hiệu lực từ 1/7.
Theo VIB, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực ngày 1/7 với nhiều quy định mới dẫn đến việc ngân hàng cần sửa đổi Điều lệ trước ngày 1/7 để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Luật.
Theo dữ liệu danh sách 18 cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ VIB do ngân hàng công bố ngày 5/8, cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) đang là cổ đông lớn nhất của VIB tại ngày 28/6. CBA sở hữu 503,2 triệu cổ phiếu VIB tương ứng tỷ lệ sở hữu 19,84%.
Các cổ đông khác sở hữu dưới 5% vốn VIB, trong đó, Uniben sở hữu 2,62%; Funderra sở hữu 4,68%; Beston sở hữu 4,68%.
Với khối lượng cổ phiếu bán ra ở mức cao trong phiên hôm nay, nhiều khả năng bên bán là CBA.
CBA trở thành cổ đông chiến lược của VIB năm 2010 khi chi khoảng 4.000 tỷ đồng để mua lại 15% cổ phần VIB và nâng lên mức 20% chỉ sau một năm.