Fica
  1. Chứng Khoán

Khả năng sinh lợi của cổ phiếu ngân hàng Việt: "Ông lớn" ngoại cũng chào thua

Bài lấy lại
Bài lấy lại

“Tính đến thời điểm hiện tại, đây là một năm không vui đối với các cổ đông của nhiều ngân hàng lớn... trừ phi họ đã đầu tư vào các ngân hàng tại Việt Nam!”, đây là đánh giá đáng chú ý của khối phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tại báo cáo chiến lược đầu tư chứng khoán tháng 10 vừa mới công bố.

Nhận xét này được đúc rút sau khi VDSC đã xem xét định giá và biến động giá cổ phiếu trên một số ngân hàng ở nhiều khu vực khác nhau.

Theo VDSC, từ đầu năm, một số ngân hàng Việt Nam đang có kết quả kinh doanh tốt hơn rất nhiều các ngân hàng khác trên thế giới, mặc dù giá cổ phiếu của các ngân hàng này đắt hơn rất nhiều nếu định giá cổ phiếu theo tỉ số P/BV (hệ số giá trên giá trị sổ sách) hay P/E (hệ số giá trên thu nhập).

Trong số ít các ngân hàng được khảo sát, chỉ có duy nhất JP Morgan Chase là có tỷ suất sinh lời gần với mức của các ngân hàng Việt Nam (8%). VDSC đánh giá, các ngân hàng châu Âu cho mức sinh lời rất tệ, đặc biệt là hai ngân hàng lớn của Đức.

“Chúng tôi thừa nhận rằng định giá ngân hàng hoạt động ở các quốc gia khác nhau sẽ có phần khập khiễng, nhưng giá cổ phiếu đã nói lên tất cả!”, VDSC nhìn nhận.

Ngành ngân hàng luôn được xem như là “phong vũ biểu” cho sức mạnh của nền kinh tế. Diễn biến giá kém tích cực của các ngân hàng lớn toàn cầu dường như đang hàm ý rằng những thành phần tham gia thị trường đang trở nên thận trọng hơn đối với triển vọng của giá trị tài sản.

Theo VDSC, những chỉ số định lượng như P/BV hay RoE không phải là nhân tố quyết định biến động giá cổ phiếu ngân hàng mà yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá cổ phiếu ngân hàng là các yếu tố định tính: Một là tầm nhìn, thể hiện bởi một kế hoạch rõ ràng theo một chiến lược hợp lý để tăng thu nhập; và hai là niềm tin của nhà đầu tư đối với đội ngũ quản lý.

Điều này đã được minh chứng từ những trường hợp của JPMorgan, Wells Fargo và DBS trong những năm qua, khi mà các ngân hàng này thực hiện những chiến lược cải cách hoặc tăng trưởng hợp lý, trong đó có việc kiểm soát nợ xấu.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), nhiều bằng chứng cho thấy việc chủ động giải quyết nợ xấu là một chất xúc tác hiệu quả cho ngành ngân hàng.

Ngược lại, Deutsche Bank, ABN Amro, một số ngân hàng Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều ngân hàng khác đã bị trừng phạt vì thiếu sự hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp và thất bại trong việc chuyển sang các khu vực địa lý hoặc phân khúc sản phẩm nằm ngoài sự hiểu biết của họ.

Tại Việt Nam, VDSC cho rằng, xu hướng sáp nhập có thể sẽ diễn ra trong vài năm tới trong bối cảnh năng lực nội tại của nhiều ngân hàng đang tỏ ra khá yếu kém và những ngân hàng này hầu như không thể đáp ứng chuẩn Basel II. Ba năm trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn 10 ngân hàng cần tuân thủ Basel II vào năm 2020 nhưng cho đến nay chỉ có một số ít có thể thực hiện được.

Mai Chi