Sắc đỏ đang bao phủ thị trường chứng khoán toàn cầu
Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng bán tháo diễn ra quy mô toàn cầu. VN-Index lao thẳng xuống ngưỡng 953 điểm (chỉ số mất gần 40 điểm).
Tại thời điểm 10 giờ sáng, biên độ giảm đã thu hẹp lại còn 36,79 điểm tương ứng 3,7% và chỉ số hồi phục lên 957,17 điểm. Dòng tiền vào bắt đáy đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng với trên 100 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Tuy vậy, sự phục hồi của chỉ số vẫn khó khăn khi áp lực bán vẫn còn rất mạnh. Đặc biệt là sự giảm sâu của các mã vốn hoá lớn đã khiến thị trường không còn trụ đỡ.
Tại thời điểm này, GAS đang giảm tới 5.000 đồng, MSN giảm 4.600 đồng, VIC giảm 4.800 đồng, SAB giảm 4.000 đồng, VNM giảm 3.700 đồng, VHM giảm 3.200 đồng.
Mức giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra trong bối cảnh bất lợi của thị trường thế giới. Ngay tại thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa thì các chỉ số chứng khoán trong khu vực châu Á đều lao dốc mạnh.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 3,14%; Sanghai Composite của Trung Quốc giảm 2,52%; Shenzhen Composite cũng mất 2,85%.
Ngoài ra, Taiex của Đài Loan cũng lao dốc 5,23%; ASX 200 của Australia mất 1,8%. Nikkei 225 của Nhật Bản mất 3,47%, Topix mất 3,27%. Trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng đánh mất 2,77%.
Hiệu ứng “domino” khiến các thị trường chứng khoán châu Á “tắm máu” dường như xuất phát từ diễn biến tiêu cực của chứng khoán Mỹ. Đêm qua, Dow Jones và S&P 500 đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 8/2/2018.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 831,83 điểm (tương đương 3,15%), chỉ số S&P 500 mất 94,66 điểm (tương đương 3,29%); chỉ số Nasdaq Composite cũng đánh mất tới 315,97 điểm (tương đương 4,08%) và đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 24/6/2016.
Hiện nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PLX, PVB, PVE, PVS… đều “đỏ sàn”, riêng PVD giảm sàn mất 1.350 đồng xuống 18.150 đồng, trắng bên mua và dư bán sàn.
Giá dầu thế giới đã giảm 2% trong bối cảnh tồn kho cao. Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau chốt phiên hôm qua 10/10 giảm 1,91 USD, tương đương 2,3%, xuống mức 83,09 USD/thùng. Dầu thô kỳ hạn giao sau tại Mỹ giảm 1,79 USD xuống còn 73,17 USD/thùng, giảm 2,4%.
Mai Chi