Các chỉ số trên thị trường chứng khoán "rơi tự do" trong 30 phút đầu phiên 3/2
Đồ thị các chỉ số gần như “rơi tự do”. VN-Index “mất phanh” lao thẳng xuống mức 892,84 điểm chỉ trong 30 phút giao dịch đầu tiên, ghi nhận mất tới 43,77 điểm và đây cũng là lần đầu tiên VN-Index “thủng” mốc 900 điểm kể từ tháng 1/2019 đến nay.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng mất 3,59 điểm xuống 98,77 điểm vào thời điểm 9 giờ 39 phút. Theo đó, ở thời điểm này, vốn hoá toàn thị trường ước đã “bốc hơi” hơn 5 tỷ USD.
Sau đó, VN-Index có dấu hiệu phục hồi và biên độ giảm còn 33,1 điểm tương ứng 3,53% vào khoảng 9 giờ 50 phút, chỉ số lùi về 903,52 điểm. Cùng thời điểm này, HNX-Index mất 2,71 điểm tương ứng 2,65% còn 99,65 điểm.
Hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn, trong đó, thiệt hại rõ nét nằm tại các mã hàng không. VJC của hãng bay Viet Jet mất 9.100 đồng, giảm sàn về 121.100 đồng, không có dư mua, dư bán sàn hiện đã ở mức 365,3 nghìn đơn vị.
Cổ phiếu VTR của Vietravel, hãng lữ hành lớn nhất nước, đơn vị vừa công bố việc lấn sân vào mảng hàng không cũng giảm sàn mất 7.300 đồng còn 41.700 đồng, trắng bên mua.
Cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng không tránh khỏi xu hướng chung, giảm sàn mất 1.950 đồng/cổ phiếu còn 26.500 đồng, không có dư mua, dư bán sàn hơn 163 nghìn đơn vị.
FLC, tập đoàn sở hữu hãng bay Bamboo Aiways, cũng bị giảm sàn 270 đồng còn vỏn vẹn 3.710 đồng/cổ phiếu. Mã này không hề có dư mua và dư bán sàn đã lên tới 1,2 triệu cổ phiếu.
Sắc đỏ đang bao trùm khắp thị trường với số lượng mã giảm lên tới 472 mã và có tới 90 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 57 mã tăng giá, 16 mã tăng trần.
Bên cạnh diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu hàng không, cổ phiếu các “ông lớn” ngành ngân hàng cũng tiêu cực và ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index. Tại thời điểm 10 giờ sáng, VCB đã lấy đi gần 4 điểm của VN-Index trong khi thiệt hại do BID gây ra là 3,51 điểm. VNM, VHM, VRE, GAS, VIC, PLX, MSN cũng giảm gá khá mạnh.
Ngược lại, cổ phiếu ngành dược vẫn tiếp tục được nhà đầu tư săn đón mặc dù thanh khoản của những mã này vốn dĩ không cao.
DHG của Dược Hậu Giang đang tăng trần lên mức giá 106.400 đồng/cổ phiếu. DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam cũng đang tăng trần lên mức giá 14.600 đồng.
IMP của Dược phẩm Imexpharm tăng giá 3.700 đồng tương ứng 6,75% lên 58.500 đồng và đang tiến sát mức giá trần là 58.600 đồng/cổ phiếu. DMC của Xuất nhập khẩu Y tế Domesco tăng 4.000 đồng tương ứng 5,26% lên 80.000 đồng và cũng gần đạt mức trần 80.600 đồng.
TRA của Traphaco tăng trần 4.000 đồng lên 62.000 đồng; DHT của Dược Hà Tây tăng trần 5.300 đồng lên 58.800 đồng và AMV của Sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ tăng 6,36% lên 23.400 đồng và vẫn đang trong xu hướng tăng.
Giới phân tích hầu hết đang có cái nhìn thận trọng với diễn biến thị trường trong bối cảnh nhà đầu tư gia tăng lo ngại đối với tác động của dịch cúm do coronavirus gây ra cho nền kinh tế.
BVSC đánh giá, áp lực điều chỉnh của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn và nếu không thể giữ được ngưỡng 936 điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay thì nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 910-920 điểm. Trong kịch bản thị trường xuất hiện phản ứng hồi phục kỹ thuật tại vùng điểm hiện tại, chỉ số sẽ quay lại thử thách vùng 945-946 điểm.
Còn SHS thì nhận định kịch bản xấu khi mà dịch Corana tiếp tục diễn biến tiêu cực hơn, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm nhằm tìm kiếm lực cầu giá thấp với vùng hỗ trợ gần nhất quanh 920 điểm (cạnh trên vùng tích lũy đầu 2019).
Theo số liệu công bố sáng nay của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, hôm qua đã có thêm 57 trường hợp tử vong do nCoV ở quốc gia này, nâng tổng số người tử vong lên 361 người, trong khi có thêm hơn 2.800 ca nhiễm mới. Tính chung toàn cầu đã có 362 người chết, hơn 17.000 người nhiễm nCoV.
Mai Chi