Sabeco dự cảm xấu cho năm 2020
Phiên giao dịch đầu tuần, 22/6, cổ phiếu SAB của Sabeco quay đầu giảm nhẹ 0,18% xuống mức giá 166.000 đồng.
Cổ phiếu SAB đã thoát đáy nhưng vẫn còn thấp đáng kể so với 1 năm trước
Mức thị giá của SAB hiện nay tuy đã hồi phục mạnh gần 32% so với 3 tháng trước nhưng vẫn “bốc hơi” tới hơn 41% giá trị so với thời điểm đạt đỉnh hơn 282.000 đồng hồi trung tuần tháng 7/2019.
Với những dự cảm kinh doanh năm 2020 không mấy thuận lợi, Sabeco vừa đặt ra mục tiêu kinh lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, công ty này dự kiến trong năm 2020, doanh thu sẽ bị sụt giảm mạnh tới 37% trong khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 39% so với thực hiện năm 2019.
Theo đó, Hội đồng quản trị Sabeco đã lên mục tiêu cho năm 2020 với 23.800 tỷ đồng doanh thu thuần và 3.252 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Sabeco nhận định, thị trường bia năm 2020 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng theo xu hướng tiêu thụ nhiều các dòng bia cao cấp do thu nhập tăng trong vài năm qua và sự cạnh tranh sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.
Đặc biệt, trước những thách thức khó khăn từ Nghị định 100 và sự bùng phát của dịch Covid-19 đối với thị trường bia, Tổng cục Thống kê ghi nhận sản lượng ngành bia Việt Nam sụt giảm đến 18,9% so với cùng kỳ năm trước.
Với kế hoạch lợi nhuận như trên, Hội đồng quản trị Sabeco vẫn trình cổ đông tỷ lệ cổ tức cho năm 2020 là 35% (sở hữu 1 cổ phiếu nhận về 3.500 đồng tiền mặt) tương đương với mức cổ tức của năm 2019.
Kết quả kinh doanh của Sabeco trong những năm gần đây và dự kiến 2020 (Dữ liệu: BCTC, đồ hoạ: Mai Chi)
Thị trường giằng co, DBC và ITA vẫn tăng trần
Vẫn tiếp tục là diễn biến giằng co, rung lắc, thị trường chứng khoán đóng cửa phiên giao dịch 22/6 với trạng thái trái chiều ở hai sàn.
VN-Index tăng 2,72 điểm tương ứng 0,31% lên 871,28 điểm trong khi HNX-Index giảm 0,63 điểm tương ứng 0,55% còn 114,72 điểm. UPCoM-Index giữ được trạng thái tăng 0,34 điểm tương ứng 0,6% lên 56,68 điểm.
Trên HSX, khối lượng giao dịch đạt 350,37 triệu cổ phiếu và thu hút được dòng tiền trị giá 5.349,88 tỷ đồng. HNX cũng có 57,4 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 511,47 tỷ đồng và trên UPCoM là 22,9 triệu cổ phiếu tương ứng 240,44 tỷ đồng.
Điểm tích cực là độ rộng thị trường đang nghiêng về các mã tăng giá. Số lượng mã tăng theo thống kê trên cả 3 sàn là 392 mã, có 65 mã tăng trần. Các con số này có phần lấn át số lượng mã giảm là 322 mã và có 36 mã giảm sàn.
Diễn ra sự phân hoá trong nhóm cổ phiếu lớn. Một số mã trụ cột tăng giá đã hỗ trợ đáng kể cho VN-Index. Trong đó, VHM tăng 1.800 đồng lên 78.300 đồng và chỉ riêng mã này đã mang lại 1,72 điểm cho VN-Index.
MSN cũng tăng tăng 1.300 đồng lên 58.300 đồng, MWG tăng 1.400 đồng lên 85.900 đồng, GAS, VNM, TCB, CTG đều tăng giá.
Chiều ngược lại, VIC, BID, VRE, BHN, HPG, VJC, HVN… đều giảm. Dù vậy, mức giảm ở những mã này không lớn nên tác động không quá tiêu cực lên diễn biến thị trường chung.
CTD vẫn tăng trần lên 67.800 đồng với khối lượng khớp lệnh gần 681 nghìn đơn vị, không hề có dư bán cuối phiên, dư mua giá trần gần 261 nghìn cổ phiếu. DBC tăng trần 3.450 đồng lên 53.200 đồng.
Tương tự, ITA đạt trạng thái tăng trần lên 5.670 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh “khủng” 20,21 triệu đơn vị, không có dư bán. Tuy nhiên, mã này không phải là cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất trong hôm qua.
Dẫn đầu thanh khoản của phiên đầu tuần chính là cổ phiếu HQC của Công ty địa ốc Hoàng Quân. Mã này được khớp lệnh 30,39 triệu cổ phiếu, song lại đang bị bán mạnh, giảm sàn về 2.040 đồng, cuối phiên trắng bên mua nhưng vẫn còn dư bán giá sàn.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán SHS, trong phiên giao dịch hôm nay 23/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 880 điểm.
Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn được khuyên nên đứng ngoài và quan sát thị trường trong giai đoạn hiện tại và có thể tăng tỷ trọng khi vượt ngưỡng 870 điểm cũng như giảm tỷ trọng nếu thị trường thủng ngưỡng 840 điểm.
Mai Chi