THD đã duy trì đà tăng trần trong suốt 10 phiên liên tiếp |
Sự thận trọng và hoài nghi vẫn tiếp tục đeo bám nhà đầu tư trong phiên giao dịch cuối tuần 3/7. Trong khi VN-Index tăng 5,23 điểm tương ứng 0,62% lên 847,61 điểm thì HNX-Index lại giảm nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,05% còn 111,55 điểm. UPCoM-Index tăng 0,37 điểm tương ứng 0,66% lên 56,26 điểm.
Thanh khoản đạt thấp. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX ở mức 203 triệu cổ phiếu tương ứng 3.51,49 tỷ đồng trong khi trên HNX có 31,45 triệu cổ phiếu tương ứng 334,22 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 16,8 triệu cổ phiếu tương ứng 112,48 tỷ đồng.
Tương quan số lượng tăng - giảm trên thị trường khá cân bằng. Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã tăng nhưng chênh lệch không đáng kể với 388 mã tăng giá, 68 mã tăng trần so với 351 mã giảm, 61 mã giảm sàn.
SAB đang là điểm sáng với mức tăng 8.100 đồng mỗi cổ phiếu lên 175.000 đồng. Chỉ riêng mã này đã đóng góp 1,48 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, VNM cũng tăng 1.100 đồng lên 114.100 đồng, VHM, VCB, VRE, VIC, BID… đều tăng giá và góp phần hỗ trợ VN-ndex.
Chiều ngược lại, GAS, VPB, BVH, HPG và DBC cũng giảm giá và phần kiềm giữ VN-Index, song mức giảm tại những mã này không gây ảnh hưởng quá lớn lên chỉ số.
Trên HNX, mặc dù THD tăng trần phiên thứ 10 liên tiếp đã có tác động tích cực lên HNX-Index, song chỉ số này gặp bất lợi khi cả hai “ông lớn” là SHB và ACB đều giảm.
Theo VDSC, kết thúc một tuần giao dịch và chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc cao nhất tuần này nhưng thanh khoản lại là vấn đề đáng quan ngại khi càng lúc càng giảm dần đều. Trong khoảng thời gian mà thị trường chưa có thông tin tích cực ủng hộ thì dòng tiền vẫn chưa mạnh dạn tham gia. Do vậy, nhà đầu tư cũng hạn chế giao dịch nhiều để có thể tránh rủi ro đáng có trong vùng trũng thông tin.
Còn theo dự báo BVSC, VN-Index sẽ gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi tiến vào vùng kháng cự 848-853 điểm trong những phiên đầu tuần tới.
Về tổng thể, rủi ro giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn đang hiện hữu khi trước mắt là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết.
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận dự kiến của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng, qua đó có thể tạo ra ảnh hưởng không tích cực lên diễn biến giá cổ phiếu, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
BVSC cho rằng chỉ nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Chỉ ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn. Diễn biến thị trường giai đoạn hiện tại và trong thời gian tới dự kiến sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Do đó, việc tập trung lựa chọn cổ phiếu là một chiến lược khá quan trọng và cần thiết trong thời gian tới.
Với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể xem xét bán giảm tỷ trọng khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự chúng tôi đề cập.
Mai Chi