Fica
  1. Chứng Khoán

Hé mở "tham vọng" lớn với tương lai thị trường chứng khoán Việt Nam

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Sự ra đời của VNX sẽ thống nhất các mảng của thị trường hiện còn phân tán, nằm trong nỗ lực thúc đẩy nhanh tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam và thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Nỗ lực để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam

Hôm nay (11/12) đánh dấu sự kiện đáng chú đối với lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam: Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức ra mắt.

Được thành lập theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, VNX đánh dấu sự hoàn thiện của quá trình tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK Việt Nam.

Hé mở tham vọng lớn với tương lai thị trường chứng khoán Việt Nam - 1

Sự ra đời của VNX sẽ thống nhất các mảng của thị trường hiện còn phân tán (Ảnh: MOF).

Đây là nỗ lực hoàn thiện cơ chế quản lý và tổ chức vận hành thị trường nhằm đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.

Phát biểu tại sự kiện sáng nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, VNX ra đời sẽ thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường.

Đặc biệt, với sự ra đời của VNX sẽ thống nhất các mảng của thị trường hiện còn phân tán, từ đó thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, giúp tăng quy mô, vị thế của TTCK Việt Nam để hội nhập và liên kết quốc tế.

Phó Thủ tướng đánh giá, sự tăng trưởng và phát triển của TTCK trong thời gian qua phần nào đã thể hiện lòng tin của nhà đầu tư và các doanh nghiệp, thành viên thị trường vào các chính sách của Đảng và Nhà nước. Với sự ra đời của VNX, Phó Thủ tướng kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ có sự phát triển vững mạnh hơn, hiệu quả hơn, đóng góp thiết thực hơn vào sự phát triển của đất nước.

Ông cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN, VNX cùng các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020 để đề xuất phương hướng cho Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; tạo lập môi trường đầu tư công khai, minh bạch; tăng cường công tác quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi pháp luật; đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, làm chủ và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Chiến lược giai đoạn tới, TTCK Việt Nam chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, tăng sức cạnh tranh và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các thị trường trong khu vực và trên thế giới; triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam.

Vì sao phải hợp nhất, sáp nhập hai sở giao dịch thành một?

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNX cho hay, với sự tồn tại của 2 sở giao dịch TPHCM (HSX) và Hà Nội (HNX), mỗi Sở đều có những nhiệm vụ tương đối độc lập, hỗ trợ và bổ sung cho nhau đã tạo ra một thị trường chứng khoán toàn diện và tổng thể, từng bước tiếp cận tới chuẩn mực quốc tế về sản phẩm.

Điểm đáng ghi nhận, là từ khi thành lập đến nay, cả hai sở đều đạt được các mục tiêu đề ra và đạt được nhiều thành quả rất tích cực, giúp cho TTCK ngày càng phát triển, thể hiện được vai trò kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết, "khi TTCK phát triển đến một cấp độ nào đó, thì sự giao thoa trong một số hoạt động của hai sở đã làm giảm đi gia tốc phát triển".

Chẳng hạn, hiện hai sở đang có sự giao thoa về sản phẩm khi đều tổ chức vận hành thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, hai sở lại cũng chưa có sự đồng bộ về cơ chế, phương thức giao dịch, kỹ thuật giao dịch,…trong khi pháp luật chứng khoán đã thống nhất về tiêu chí, điều kiện niêm yết.

Hé mở tham vọng lớn với tương lai thị trường chứng khoán Việt Nam - 2

Cơ cấu tổ chức của VNX (Nguồn: TBTC).

Hay với hạ tầng công nghệ thì mỗi sở đều có những kiến trúc riêng của mình. Những kiến trúc công nghệ này lại đòi hỏi thành viên thị trường duy trì hệ thống kết nối độc lập. Trong khi đây lại là yếu tố mang tính xương sống, quyết định cho sự phát triển của thị trường về sản phẩm, tiện ích và đòi hỏi sự thống nhất, tập trung và phải tích hợp, cập nhật liên tục, để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu tổ chức, vận hành thị trường, cũng như phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thì nhu cầu về tính hiện đại, sự thống nhất của hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin càng mang tính bức thiết hơn. Vì vậy, cần phải có sự đầu tư, quản lý thống nhất về hệ thống công nghệ thông tin chung cho thị trường, vừa đảm bảo tốt nhất về chi phí vận hành và hướng tới một bước phát triển ở tầm cao mới của TTCK Việt Nam.

Hoặc đối với công tác thành viên cũng cần có sự thống nhất về chung một đầu mối để hỗ trợ, phối hợp với họ tốt hơn.

Đặc biệt là với mô hình trước đây, quy mô của TTCK Việt Nam bị phân tán; hay chỉ số cũng chưa thống nhất, thiếu chỉ số chung đại diện đầy đủ cho toàn thị trường, mang tầm vóc đại diện cho cả nền kinh tế… Điều này phần nào ảnh hưởng tới vị thế của TTCK Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như tiến trình nâng hạng thị trường.

Bởi vậy, qua quá trình phát triển cùng với sự điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn, TTCK Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ hơn để xử lý những nhu cầu đổi mới mà thực tiễn đề ra, trong đó có là vai trò của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam - VNX.

"VNX ra đời là cần thiết để thống nhất: về tư duy, chiến lược phát triển; về mô hình quản trị; cơ chế quản lý, giám sát; giải pháp phát triển thị trường theo sản phẩm và dịch vụ… Điều này kỳ vọng sẽ góp phần giúp TTCK phát triển lên một tầm cao mới, tăng trưởng mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, cũng như tăng cường kết nối tốt hơn với các thị trường khu vực, quốc tế, thúc đẩy nhanh tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam và thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài" - ông Long nhấn mạnh.

Thực tế cũng cho thấy, việc hợp nhất, sáp nhập các Sở giao dịch là xu thế quốc tế và theo quy luật khách quan, tự nhiên. Ở nhiều quốc gia, việc hợp nhất các sở giao dịch không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà còn mang tính đa quốc gia, khu vực. Vì thế, TTCK Việt Nam cũng cần có một sở giao dịch thống nhất thị trường giao dịch để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và tăng vị thế, từ đó hỗ trợ việc thu hút tốt hơn các dòng vốn quốc tế vào nền kinh tế.

Mai Chi (tổng hợp)