Phiên chiều qua (13/11) trở nên khó khăn hơn với các chỉ số khi áp lực bán tăng mạnh. VN-Index đánh mất 5,56 điểm tương ứng 0,55% còn 1.012,77 điểm; HNX-Index giảm biên độ tăng còn 0,23 điểm tương ứng tăng 0,22% lên 107,2 điểm; UPCoM-Index tăng nhẹ 0,01 điểm tương ứng 0,02% lên 56,82 điểm.
Tuy vậy, đây lại là phiên bùng nổ về thanh khoản. Khối lượng giao dịch trên HSX được đẩy lên 286,96 triệu cổ phiếu tương ứng 6.748,75 tỷ đồng. HNX có 24,89 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 291,16 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 7,82 triệu cổ phiếu tương ứng 117,17 tỷ đồng.
Trên quy mô thị trường, số mã tăng giá hoàn toàn lép vế trước số mã giảm. Có 257 mã tăng, 42 mã tăng trần trong khi có 348 mã giảm và 34 mã giảm sàn.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch Yeah1
Cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 hôm qua tiếp tục trượt dốc, giảm thêm 1,2% còn 50.200 đồng/cổ phiếu. Công ty này vừa công bố tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phần riêng lẻ vào tháng 8/2018 với tổng giá trị 1.173 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến ngày 24/10, Yeah1 đã giải ngân hơn 924 tỷ đồng, tương đương 79% số tiền huy động được vào các mảng đầu tư kỹ thuật số và các mảng liên quan (584,6 tỷ) đồng, mảng thương mại truyền thông (36,7 tỷ đồng), bổ sung vốn lưu động 136 tỷ đồng và mua cổ phiếu quỹ 141,7 tỷ đồng.
Số tiền còn lại 248,5 tỷ đồng, doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống dự chi 65 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng cổ phần một công ty liên quan đến mảng phát triển trò chơi điện tử trên nền tảng điện thoại (game), một công ty liên quan đến công nghệ quản lý dữ liệu, một đơn vị phát triển và vận hành nền tảng đọc báo…; 128 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 50% cổ phần một công ty cung cấp giải pháp tích điểm đổi quà, tăng vốn công ty quản lý nhóm nhạc; 55 tỷ đồng để cho vay, mượn và tăng vốn điều lệ công ty thành viên...
Bất chấp những nỗ lực “hồi sinh”, trong quý III, Yeah1 vẫn lỗ hơn 100 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 230 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Trở lại với thị trường chứng khoán hôm qua, nếu như BID vẫn bền bỉ tăng và đóng góp 0,8 điểm cho VN-Index thì phần lớn cổ phiếu vốn hoá lớn khác đều giảm, qua đó tác động tiêu cực đến thị trường chung. Chỉ riêng VCB và VNM đã tác động lần lượt 1,31 điểm và 1,02 điểm đến VN-Index.
Ngoài ra, trong mức giảm chung của chỉ số, VHM cũng góp vào 0,69 điểm, SAB góp vào 0,57 điểm, TCB góp vào 0,41 điểm và VIC góp vào 0,39 điểm. Trong rổ VN30 có tới 19 mã cổ phiếu giảm và chỉ có 4 cổ phiếu tăng.
Một số mã vốn hoá nhỏ và vừa có diễn biến khả quan hơn, đó là những mã đầu cơ, nổi bật như CLG tăng 6,9%; HAI tăng 6,9%; TNT tăng 6,6%; MBG tăng 5,7%, BCG tăng 5,1%.
Khối ngoại bán ròng đột biến trên HSX với giá trị lên đến 738 tỷ đồng, phần lớn từ giao dịch thoả thuận tại CTG (bán ròng tới 612 tỷ đồng); tại VNM tới 139 tỷ đồng, tại VIC là 71 tỷ đồng, VCB là 26 tỷ đồng, MSN là 19 tỷ đồng.
Nhận định về triển vọng thị trường trong phiên hôm nay (14/11), Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, thị trường dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh.
VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.005-1.010 điểm. Tại đây, chỉ số được kỳ vọng sẽ có phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại. Dù vậy, điểm tiêu cực vẫn là áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kèm theo hoạt động bán ròng trở lại của khối ngoại.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 vẫn sẽ tạo sức ảnh hưởng chi phối đến xu hướng thị trường trong ngắn hạn. Do đó, nhịp điều chỉnh của thị trường trong những phiên tới vẫn được xem là cơ hội mua đối với các nhóm cổ phiếu này.
Chiến lược đầu tư mà chuyên BVSC đưa ra là giảm tỷ trọng danh mục về mức 50-55% cổ phiếu. Có thể để một phần tỷ trọng danh mục cho hoạt động trading ngắn trong giai đoạn này. Nhà đầu tư có thể xem xét thực hiện mở vị thể mua mới hoặc mua lại các vị thế đã bán trước đó khi thị trường kiểm định thành công vùng hỗ trợ quanh 1.005 điểm.
Mai Chi