Không phải là cái kết tệ nhất trong ngày, tuy nhiên, VN-Index vẫn đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/10 với mức giảm sâu 48,07 điểm (tương ứng mất 4,84%) còn 945,89 điểm. Mức giảm này cuốn đi hàng tỷ USD vốn hóa của sàn HSX. Thiệt hại của HNX-Index là 6,59 điểm (tương ứng 5,79%), còn 107,17 điểm.
Có tới 299 mã giảm giá trên sàn HSX, gấp 10 lần số mã tăng giá (trong đó tới 94 mã bị giảm kịch sàn). Đáng nói là không một mã nào trong rổ VN30 tăng hoặc trụ lại được ở mức giá tham chiếu, nhiều mã vốn hóa lớn giảm sâu, thậm chí giảm sàn. HNX có 159 mã giảm (37 mã giảm sàn), trong khi chỉ có 28 mã tăng.
Phiên này chứng kiến loạt “ông lớn” giảm kịch sàn gồm có GAS, BID, CTG, MSN và một số cổ phiếu dầu khí khác. Trong thiệt hại của VN-Index hôm nay, GAS góp vào tới 5,08 điểm; BID góp vào 2,64 điểm; CTG góp vào 2,18 điểm; MSN góp vào 2,17 điểm.
Trong khi đó, VCB giảm sâu cũng đẩy chỉ số giảm 4,55 điểm; VIC khiến chỉ số giảm 3,63 điểm và VHM cũng đẩy chỉ số giảm 3,05 điểm.
Đáng nói là dòng tiền đổ vào bắt đáy rất mạnh, nhưng vẫn không đủ kéo chỉ số phục hồi đáng kể. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 353,53 triệu cổ phiếu tương ứng 7.811,32 tỷ đồng; HNX cũng có 99,11 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 1.338,46 tỷ đồng. Hơn 9.000 tỷ đồng đổ vào giải ngân mua cổ phiếu trong phiên là một con số rất ấn tượng!
Những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số VNIndex ngày 11/10
Chiều nay, chia sẻ trên trang cá nhân của mình, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng: “Điều đáng ngại nhất là gần một ngày sau khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm 3,15% kéo theo việc mất điểm của hầu hết các thị trường chứng khoán khác trên thế giới thì giới phân tích vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Câu hỏi đặt ra cho giới đầu tư, đây chỉ là phản ứng tâm lý bình thường hay có nguyên nhân ngầm nào mà chưa phát lộ?”.
Ông Nguyễn Duy Hưng dẫn nhận định của nhiều chuyên gia nước ngoài cho biết, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh thương mại. Đây rõ ràng là thông tin có ảnh hưởng tích cực lên thị trường.
Ông cho biết thêm: “Trong một diễn biến khác, Hiệp hội Traders của thị trường mới nổi EMTA do ING chủ trì vừa họp ở Singapore và Hongkong bàn về triển vọng của thị trường mới nổi dưới các tác động của chiến tranh thương mại, tình hình rút vốn và chính sách từ các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Về chiến tranh thương mại, mặc dù quan điểm chung là châu Á không được hưởng lợi tuy nhiên có một sự đồng thuận cao là một số nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này theo thứ tự là Việt Nam, Malaysia và Thái Lan là thông tin tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi tại hội nghị này đa số thành viên nghĩ rằng sẽ không có giải pháp thỏa hiệp cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung".
Tuy vậy, thị trường Việt Nam hôm nay vẫn giảm sâu và nhà đầu tư có tâm lý rất tiêu cực. Theo ông Hưng, các phân tích nhận định đối với thị trường không thể có tác dụng trực tiếp đối với sức khỏe thị trường chứng khoán mà chỉ có ý nghĩa tham khảo.
“Thật sự khi đưa ra các dự đoán về tương lai thị trường đấy chỉ ý kiến cá nhân để tham khảo và có quyết định cho riêng mình chứ không thể có tác dụng trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế hay sức khỏe của thị trường chứng khoán.
Giống như ta đi khám bệnh, nghe bác sỹ để phòng bệnh và sẽ không quá hoảng loạn để tìm cách chữa bệnh khi chẳng may mắc bệnh chứ bản thân bác sỹ không quyết định được tình trạng sức khỏe hiện tại của ta”, Chủ tịch SSI ví von.
Đa số chuyên gia nghĩ rằng sẽ không có giải pháp thỏa hiệp cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (nguồn: FB ông Nguyễn Duy Hưng)
Mai Chi