Fica
  1. Chứng Khoán

Hàng nghìn tỷ đồng rơi khỏi túi đại gia Việt trong ngày đầu tuần

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Có gần 400 mã cổ phiếu giảm giá trên thị trường chứng khoán ngày hôm qua và 43 mã giảm sàn đã khiến nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng, đặc biệt là các đại gia sở hữu lượng tài sản lớn trong cổ phiếu.

Hàng nghìn tỷ đồng rơi khỏi túi đại gia Việt trong ngày đầu tuần - 1

Cổ phiếu nhóm Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng giảm giá đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chung

Phiên giao dịch đầu tuần 17/2 diễn ra không mấy thuận lợi khi các chỉ số đều kết thúc ở dưới vùng tham chiếu.

VN-Index đóng cửa với mức giảm 2,68 điểm tương ứng 0,29% còn 934,77 điểm; HNX-Index giảm 0,17 điểm tương ứng 0,16% còn 109,57 điểm và UPCoM-Index cũng giảm 0,22 điểm tương ứng 0,38% còn 56,26 điểm.

Thanh khoản sàn HSX đạt 183,24 triệu cổ phiếu tương ứng 3.396,91 tỷ đồng. Trong khi đó, trên sàn HNX là 28,78 triệu cổ phiếu tương ứng 328,28 tỷ đồng. Thị trường UPCoM cũng có 7,74 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 111,43 tỷ đồng.

Thị trường ngày hôm qua chìm trong sắc đỏ. Số liệu thống kê cho thấy, toàn thị trường có 392 mã giảm, 43 mã giảm sàn so với 269 mã tăng và 43 mã tăng trần.

Bên cạnh yếu tố số lượng mã giảm áp đảo thì trong phiên này, chỉ số chính còn chịu áp lực do diễn biến bất lợi từ một số mã trụ cột. Cụ thể, VIC giảm 2.000 đồng; SAB giảm 3.800 đồng; VHM giảm 900 đồng.

Theo đó, chỉ riêng VIC đã lấy đi của chỉ số chính tới 1,96 điểm; thiệt hại do VHM là 0,87 điểm; do SAB là 0,71 điểm. Ngoài ra, GAS, CTG, HVN, VRE… cũng sụt giá.

Chiều ngược lại, nhóm “ông lớn” ngân hàng gồm BID, TCB, MBB, VCB tăng, nhưng không thể giúp đảo ngược trạng thái chung của thị trường. Ảnh hưởng từ BID là đáng kể nhất với đóng góp 1,75 điểm cho VN-Index.

ROS sau những nỗ lực phục hồi ở tuần trước thì phiên hôm qua bị bán mạnh và trở lại trạng thái giảm sàn, mất 640 đồng còn 8.560 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 4,82 triệu đơn vị, cuối phiên không có dư mua và dư bán sàn còn hơn 612 nghìn cổ phiếu.

Trong phiên hôm qua, chỉ có duy nhất hai nhóm ngành tăng điểm là công nghệ với sự dẫn dắt của MWG (tăng 0,37%); ELC (6,94) và ST8 (tăng 4,9%); và ngành y tế với mức tăng tại DHG (1,57%); DCL (5,6%) và OPC (1,09%).

Những ngành bị sụt điểm nhiều nhất là dầu khí với tình trạng mất giá tại GAS (1,36%); PLX (0,38%), SFC (6,85) và ngành dịch vụ tiêu dùng với HVN giảm 2,2%; VRE giảm 1,1% và PNJ giảm 0,36%.

Tình trạng mất giá của cổ phiếu ngày hôm qua đã khiến nhiều đại gia lớn trên thị trường chứng khoán bị sụt giảm về giá trị tài sản cổ phiếu.

Cụ thể, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, giảm 3.833,7 tỷ đồng; giá trị tài sản của tỷ phú Thái Lan - người đứng sau sở hữu Sabeco giảm 1.306,8 tỷ đồng và giá trị tài sản của ông Trịnh Văn Quyết cũng giảm 186,4 tỷ đồng.

Theo nhận định của chuyên gia từ Công ty chứng khoán BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co tích lũy trong vùng được giới hạn bởi vùng hỗ trợ 930-932 điểm và vùng kháng cự 940-943 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Tuy nhiên, BVSC kỳ vọng thị trường sẽ sớm bứt phá khỏi vùng giá đi ngang này theo hướng tích cực về cuối tuần. Nếu vượt qua thành công vùng kháng cự 940-943 điểm, chỉ số hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 960-970 điểm trong ngắn hạn.

Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 30-40% cổ phiếu. Các nhịp điều chỉnh của thị trường về vùng hỗ trợ 930-932 điểm hoặc 920-922 điểm được xem là cơ hội mua trading cho các nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tiền mặt lớn.

Trong trường hợp thị trường bứt phá thành công qua vùng kháng cự trên, nhà đầu tư có thể thực hiện mở các vị thế mua trading nâng tỷ trọng trong các nhịp điều chỉnh sau đó của thị trường.

Nhà đầu tư cũng có thể tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ thông tin và một số cổ phiếu bluechips cơ bản tốt nhưng giá đang giảm về các vùng hỗ trợ ngắn hạn.

Mai Chi