Fica
  1. Chứng Khoán

Giới đầu tư chen nhau tháo chạy, bán kịch liệt cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai đã thiệt hại tới 17,24% giá trị chỉ trong vòng 1 tuần giao dịch. Mã này đang chịu áp lực xả giá sàn cực kỳ mạnh sau tin rơi vào diện kiểm soát.

Giới đầu tư chen nhau tháo chạy, bán kịch liệt cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai - 1

Cú bứt tốc ấn tượng của thị trường trong phiên chiều 23/4 (Ảnh chụp màn hình).

Thị trường chứng khoán trong phiên 23/4 đã lấy lại được phần nào thiệt hại của phiên giảm sốc hôm trước đó. Đúng như ví von của các nhà đầu tư thì "hôm trước nhà đầu tư mất 1 đôi dép, nay được trả lại... 1 chiếc dép".

Cụ thể, nếu ở phiên 22/4, VN-Index "bốc hơi" hơn 40 điểm thì ở phiên cuối tuần, chỉ số chính tăng 20,71 điểm tương ứng 1,69% lên 1.248,53 điểm. VN30-Index tăng 29,86 điểm tương ứng 2,35% lên 1.301,39 điểm.

Trạng thái tăng mạnh của cổ phiếu trên HSX chủ yếu nhờ vào lực kéo ở những mã trụ trong phiên giao dịch chiều. Cụ thể, rổ VN30 chỉ có 4 mã giảm giá, còn lại đều tăng.

Trong đó, KDH và STB tăng trần lên 35.300 đồng và 22.450 đồng. Cả hai mã này đều trắng bên bán và có dư mua giá trần hàng triệu đơn vị. Riêng STB có khớp lệnh mạnh 45,23 triệu đơn vị, dư mua trần gần 3,9 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, CTG cũng tăng 5,5% lên 41.300 đồng; VPB tăng 4,1% lên 51.000 đồng; SSI tăng 3,9% lên 33.000 đồng; FPT tăng 3,8% lên 83.000 đồng, MBB tăng 3,8% lên 30.300 đồng, TCH, TPB, SBT, MWG, PDR, HPG, BID… đều tăng giá mạnh.

Điểm rất tích cực ở phiên này trên HSX đó là diễn biến tăng của thị trường đã có sự đồng pha giữa cổ phiếu lớn với cổ phiếu vốn hóa vừa, một số cổ phiếu penny cũng hồi phục khá mạnh.

KBC sau khi đột ngột giảm sàn hôm 22/4 thì đến phiên 23/4 đã lấy lại được những gì đánh mất, tăng trần lên 37.100 đồng, không hề còn dư bán, dư mua trần, khớp lệnh 5,45 triệu đơn vị. ANV cũng tăng trần lên 21.550 đồng, sạch dư bán. EIB tăng 6,5%: HCM tăng 5%. Cổ phiếu nhỏ như HMC, DAG, TLH, SJF, CCL, HAP cũng tăng trần đồng loạt.

Tổng số lượng mã tăng giá trên thị trường lên tới 618 mã và có đến 93 mã tăng trần. Đồng thời, thị trường có 363 mã giảm, 41 mã giảm sàn.

Chỉ số VNMID-Index của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình tăng 35,91 điểm tương ứng 2,47%; chỉ số VNSML-Index của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 16,18 điểm tương ứng 1,25%.

Bên cạnh đó, chỉ số HNX-Index cũng thu hẹp biên độ giảm, chỉ còn mất 3,4 điểm tương ứng 1,19% xuống 283,63 thời điểm đóng phiên. UPCoM-Index đạt được trạng thái tăng 0,65 điểm tương ứng 0,81% lên 80,4 điểm.

Giữa bối cảnh thị trường đã hồi phục ấn tượng trở lại thì cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang phải đối mặt với cơn bão xả hàng vô cùng khắc nghiệt. Mã này đang giảm sàn phiên thứ hai liên tiếp, thị giá hiện còn 5.040 đồng.

Giới đầu tư chen nhau tháo chạy, bán kịch liệt cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai - 2

Biến động giá HAG cổ phiếu HAG trong 1 tháng qua (ảnh chụp màn hình).

Đáng nói là mặc dù đã được khớp lệnh 12,46 triệu cổ phiếu trong phiên và nhiều lệnh lớn quy mô hàng triệu cổ phiếu đổ vào, song vẫn chưa thể "giải cứu" được HAG.

Hết phiên, HAG hoàn toàn trắng bên mua trong khi vẫn còn dư bán giá sàn tới 12,3 triệu cổ phiếu. Điều này chắc chắn sẽ tạo áp lực rất lớn với giá HAG trong đầu tuần tới.

Với diễn biến tiêu cực trong thời gian qua, HAG đã thiệt hại tới 17,24% giá trị chỉ trong vòng 1 tuần giao dịch.

Nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu HAG bên cạnh yếu tố thị trường chung thì nguyên nhân chủ yếu là bởi HSX mới đây thông báo chuyển cổ phiếu này từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 28/4.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của HAG, lỗ ròng năm 2020 của tập đoàn này lên tới gần 1.256 tỷ đồng và lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2020 hơn 6.302 tỷ đồng. Đồng thời HAG thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2018 và 2019 dẫn đến lỗ lũy kế hơn 4.766 tỷ đồng tại ngày 31/12/2019.

Như vậy, cổ phiếu HAG từ ngày 28/4 tới sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều và sẽ chỉ được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát nếu như HSX chấp thuận giải trình từ doanh nghiệp.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý với nhà đầu tư rằng, lãnh đạo HAGL đã có giải trình cụ thể về động thái hồi tố. Cụ thể, dịch Covid-19 bùng phát làm cho các thông tin về rủi ro của thị trường nông sản và ngành nông nghiệp được biểu hiện rõ ràng hơn.

Vì vậy, Ban Tổng Giám đốc Hoàng Anh Gia Lai nhận thấy rằng các xét đoán về rủi ro trước đây chưa được đánh giá một cách thận trọng nhất, nên đã đưa ra quyết định điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính kiểm toán của công ty năm 2018 và 2019 bằng cách trích lập dự phòng cho các khoản phải thu tồn đọng nhằm giúp cho báo cáo tài chính năm 2020 không tiếp tục bị ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Theo lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai, trong tương lai, khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị thì các khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập dần dần.

Lãnh đạo tập đoàn này cho rằng, việc trích lập dự phòng này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của báo cáo tài chính và trên cơ sở đó phục vụ tốt hơn cho việc sử dụng thông tin của các cổ đông.

Mai Chi

Tin liên quan