Chỉ số VNSML-Index của dòng cổ phiếu "ruồi" tăng mạnh, vượt 2.000 điểm
Phiên giao dịch ngày 10/11 là một phiên giao dịch khó đoán với giới đầu tư. Với áp lực chốt lời khi nhiều cổ phiếu "nóng" đã tăng giá mạnh, VN-Index rung lắc mạnh trong suốt thời gian của phiên buổi sáng.
Đồ thị VN-Index lên xuống theo hình sin và chỉ thực sự bứt tốc khi bước vào phiên chiều. Lúc này, với việc xác nhận hỗ trợ ở mốc 1.460 điểm, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường. VN-Index có lúc áp sát 1.470 điểm trước khi đóng cửa tại 1.465,02 điểm, ghi nhận mức tăng 3,52 điểm tương ứng 0,24%.
Chỉ số chính tăng điểm bất chấp áp lực chốt lời tại nhóm VN30 khiến VN30-Index giảm 3,34 điểm tương ứng giảm 0,22%, xuống còn 1.523,79 điểm. VN30-Index cũng là chỉ số chính duy nhất trên thị trường giảm điểm trong hôm nay.
Chỉ số VN30-Index giảm điểm trong khi sắc xanh vẫn phủ lên thị trường, dòng cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ hút dòng tiền (Ảnh chụp màn hình).
Chiều ngược lại, VNMID-Index đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình lại tăng mạnh 21,61 điểm tương ứng tăng 1,1%; VNSML-Index đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 23,56 điểm tương ứng 1,19%. Hiện tại, điểm số của VNSML-Index đã là 2.006,87 điểm.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng không kém cạnh, tăng 5,61 điểm tương ứng 1,3% lên 438,24 điểm; UPCoM-Index tăng 0,48 điểm tương ứng 0,44% lên 109,66 điểm.
Toàn thị trường có 636 mã tăng giá và đáng chú ý là tới 101 mã tăng trần so với 402 mã giảm, 7 mã giảm sàn. "Bữa tiệc" của cổ phiếu penny lại trở nên vô cùng sôi động với hàng loạt mã đua nhau tăng trần. Hầu như các mã này đều dư mua trần lớn và không có dư bán. APC, CNG, DAG, HAI, YBM, CCL, DRH, GSP, NHH, SJF, ASP, C47, IDI, VRC… phủ sắc tím lên bảng điện tử.
Rất nhiều cổ phiếu "ruồi" đã vượt mệnh giá và số lượng cổ phiếu dưới 5.000 đồng rất hiếm, chỉ còn một số mã như LCM, PXI… còn lại đang trong đà tăng mạnh, áp sát mức mệnh giá 10.000 đồng.
Dòng cổ phiếu bất động sản chưa dừng "cơn sốt". Nhiều mã cổ phiếu thời gian qua điều chỉnh song hiện đã lại tăng mạnh mẽ. SCR, CCL, DRH, DIG, VRC, LDG tăng trần; LEC tăng 5,8%; VPH tăng 5,5%: D2D tăng 5,1%; ITC tăng 5%; HTN tăng 4,7%...
Cổ phiếu bất động sản chưa ngừng gây sốt (Ảnh chụp màn hình).
Cổ phiếu ngành dầu khí tăng giá mạnh, lần hiếm hoi tăng trần của PLX
Dòng cổ phiếu dầu khí phiên hôm nay bứt tốc. PVS tăng 6,5% lên 31.300 đồng; PVB tăng 4,2% lên 17.500 đồng; PVC tăng 5,1% lên 14.300 đồng; OIL tăng 4% lên 18.100 đồng; BSR tăng 4,9% lên 25.500 đồng; PVD tăng 1,6%...
Nhiều mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn. BSR tăng giá mạnh đồng thời khối lượng khớp lệnh cũng tăng cao lên 20,4 triệu cổ phiếu. Tổng khớp lệnh tại PVS là gần 20,5 triệu cổ phiếu; tại PVC là gần 23,8 triệu cổ phiếu.
"Ông lớn" PLX - mã cổ phiếu của Petrolimex - gây bất ngờ khi hiếm hoi đạt trạng thái tăng trần lên 58.300 đồng sau thời gian dài quanh quẩn ngưỡng 53.000 - 54.000 đồng; khớp lệnh đạt gần 7,4 triệu đơn vị. PLX cũng là mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường trong phiên, đóng góp cho mức tăng của VN-Index tới 1,27 điểm.
Cuối phiên, mã này không hề còn dư bán và có dư mua giá trần gần 809.000 cổ phiếu. Như vậy, kể cả khi đặt lệnh ở mức giá cao nhất phiên, nhà đầu tư cũng khó mua được cổ phiếu này.
Tình trạng "tranh cướp" cổ phiếu PLX trên sàn hôm nay diễn ra trong bối cảnh tại kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào chiều 10/11, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp tăng giá đối với sản phẩm xăng E5 RON 92 thêm 550 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 660 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá bán tối đa đối với xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng/lít và RON 95 là 24.990 đồng/lít. Mức giá bán lẻ của các mặt hàng xăng hiện đã leo lên cao nhất 7 năm qua.
PLX là mã cổ phiếu có đóng góp lớn nhất đối với VN-Index (Ảnh chụp màn hình).
Thị trường chứng khoán hôm nay nhìn chung diễn biến tích cực cả về chỉ số và thanh khoản. Mặc dù có những lo ngại về áp lực của những phiên có giao dịch "khủng" những phiên trước nhưng khả năng hấp thụ của thị trường với cổ phiếu bị chốt lời vẫn vô cùng mạnh mẽ.
Giá trị giao dịch trên HSX phiên hôm nay đạt 29.742,37 tỷ đồng, khối lượng giao dịch ở mức 985,53 triệu cổ phiếu; con số này trên HNX là 150,76 triệu cổ phiếu tương ứng 3.946,42 tỷ đồng và trên UPCoM là 114,61 triệu cổ phiếu tương ứng 2.481,78 tỷ đồng.
Yếu tố tiêu cực là diễn biến bán ròng của nhà đầu tư ngoại. Nhóm nhà đầu tư này đẩy mạnh bán ròng 15 triệu cổ phiếu với giá trị bán ròng hơn 807 tỷ đồng trên HSX. Trong đó, PAN bị bán ròng mạnh nhất với 348 tỷ đồng, sau đó là HPG, VJC, NLG.
Mai Chi