Fica
  1. Chứng Khoán

Giả mạo văn bản UBCKNN để lừa đảo nhà đầu tư

UBCKNN khẳng định không cấp Giấy phép thành lập và hoạt động Công ty quản lý quỹ cho Công ty TNHH Quỹ Đầu tư Alamat Việt Nam và không cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đại chúng cho đơn vị này. UBCKNN sẽ chuyển cơ quan công an điều tra để xử lý theo pháp luật.

Qua thông tin nắm bắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, hiện có văn bản giả mạo văn bản của UBCKNN, lừa đảo nhà đầu tư. Văn bản giả mạo đề số 416/GCN-UBCK ngày 15/09/2023.

Nội dung của văn bản này giả mạo quyết định của Chủ tịch UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ đại chúng đối với Quỹ đầu tư Alamat Việt Nam (có vốn điều lệ 6 tỷ đồng). Chi nhánh của một ngân hàng tư nhân lớn được nhắc đến là ngân hàng giám sát.

Tuy nhiên, UBCKNN khẳng định văn bản nêu trên là giả mạo. UBCKNN khẳng định không cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty quản lý quỹ là Công ty TNHH Quỹ Đầu tư Alamat Việt Nam và không cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đại chúng cho Quỹ Đầu tư Alamat Việt Nam.

UBCKNN cho hay, cơ quan này sẽ có văn bản gửi cơ quan Công an để xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật.

 Văn bản giả mạo UBCKNN cấp giấy chứng nhận Đăng ký thành lập quỹ đại chúng cho Alamat Việt Nam (Nguồn: SSC).

Danh sách các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán do UBCKNN cấp đều được UBCKNN đăng tải đầy đủ trên trang thông tin điện tử của UBCKNN (ssc.gov.vn). Do vậy, UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch.

Hồi tháng 10, UBCKNN cũng phát thông tin cảnh báo về sự xuất hiện của thủ đoạn mạo danh Quỹ đầu tư Carlyle VN để thực hiện hành vi lừa đảo nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cho biết, không cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ cho Quỹ đầu tư Carlyle VN.

Theo Công an Thành phố Hà Nội, đã có nạn nhân tham gia đầu tư Quỹ đầu tư mạo danh Carlyle VN và bị chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.

Nạn nhân cho biết được hướng dẫn đầu tư thông qua ứng dụng Quỹ đầu tư Carlyle VN. Khi tham gia các buổi livestream, người đầu tư được tặng tiền, được “thầy” giới thiệu nhiều gói ưu đãi, có nhiều mã khuyến nghị, hướng dẫn đầu tư cổ phiếu tăng giá mạnh.

Theo như quảng cáo, đầu tư giao dịch vào quỹ có thể nhận tiền về tài khoản đầu tư ngay sau khi đặt lệnh chốt và có thể đặt lệnh rút tiền luôn, nhanh hơn hẳn so với các sàn giao dịch thông thường. Các “thầy” quảng cáo với nạn nhân với mức lãi suất khủng 500-800% bằng cách dùng đòn bẩy.

Nạn nhân được hướng dẫn mua mã cổ phiếu giao dịch “…x5” với mức nạp tiền tối thiểu hơn 200 triệu đồng. Khi nạp tiền xong, các đối tượng tiếp tục mời chào mã cổ phiếu giao dịch “…x8”.

Nạp số tiền 200 triệu đồng, nạn nhân nhận được số cổ phiếu gấp nhiều lần và được yêu cầu nếu không nạp đủ số tiền còn thiếu sẽ bị đóng băng tài khoản và không được giao dịch. Nạn nhân đã chuyển thêm 400 triệu đồng để đủ số tiền còn thiếu.

Khi nạn nhân rút tiền không được, các đối tượng yêu cầu chuyển phí thường niên (25% tổng lợi nhuận trước) để nạn nhân tiếp tục chuyển 200 triệu đồng. Tiếp đó yêu cầu đóng phí sử dụng tài khoản cho thành viên VIP là 15% tổng số tiền đã nạp (200 triệu đồng); đóng thuế VAT 10% lợi nhuận (150 triệu đồng); đóng 10% tiền phí giới thiệu khi mở tài khoản. Phải đóng quá nhiều phí đầu tư mà không rút được tiền ra, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Mai Chi